Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khu thương mại tự do

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mô hình khu thương mại tự do ở Hải Phòng Ảnh minh họa
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mô hình khu thương mại tự do ở Hải Phòng Ảnh minh họa
TP - Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp thứ hai (khai mạc ngày 20/10), Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hải Phòng với đề xuất thành lập khu thương mại tự do.

Tiền Phong ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội về chủ trương ban hành các chính sách đặc thù cho các địa phương, đặc biệt là mô hình mới “khu thương mại tự do”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế: Mạnh dạn cho thí điểm

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khu thương mại tự do ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương phát triển. Tuy nhiên, đối với những tỉnh, thành có đặc điểm giống nhau thì nên áp dụng một cơ chế chung, tránh quá nhiều đặc thù, mỗi địa phương lại áp dụng một chính sách đặc thù riêng. Ví dụ, đối với những tỉnh có nhiều cảng biển, thì đưa ra một cơ chế đặc thù cho các tỉnh đó.

Mô hình khu thương mại tự do ở nhiều nước đã có rồi, và cá nhân tôi cũng ủng hộ quan điểm, chủ trương đó. Cái gì còn mới, chúng ta cứ mạnh dạn cho thí điểm. Nếu thành phố Hải Phòng làm được, sau đó sẽ xem xét nhân rộng mô hình.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật: Có đặc thù gì?

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khu thương mại tự do ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật

Trước tiên, cá nhân tôi cũng ủng hộ việc ban hành cơ chế đặc thù cho địa phương phát triển, trong đó có chính sách đặc thù cho Hải Phòng về việc lập khu thương mại tự do. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là những cơ chế đặc thù cụ thể trong từng lĩnh vực cho mỗi tỉnh, thành ra sao? Các cơ chế, chính sách đặc thù đó giống và khác nhau thế nào so với Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng?

Nếu chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành này cũng giống như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM thì có lẽ tôi không đồng tình. Bên cạnh đó cũng cần phải xem, việc áp dụng các chính sách đặc thù như vậy đã đảm bảo sự công bằng chưa?

Đối với việc thành lập khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng, cá nhân tôi cũng ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, dù là khu thương mại tự do cũng không thể vượt qua những quy định của pháp luật. Đây là một mô hình mới và ở Việt Nam vẫn chưa có nơi nào được gọi là khu thương mại tự do.

Đặc biệt như ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), hay Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), trước đây chúng ta đã dự kiến xây dựng các đặc khu kinh tế, theo tôi, những nơi đó có thể xem xét, thành lập các khu thương mại tự do.

Với đề xuất khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng, không biết bao gồm những gì, được hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt gì? Tất cả những quy định trong dự thảo nghị quyết phải được Quốc hội xem xét thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Nhiều điểm tương đồng với mô hình đặc khu

Tại phiên họp thứ 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Đối với nghị quyết cho thành phố Hải Phòng, một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất phát triển khu thương mại tự do.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, khu thương mại tự do là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập. Khu thương mại tự do được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá; được tổ chức thành các khu chức năng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển…

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, khu thương mại tự do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định. Việc hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Mô hình này cũng có nhiều điểm tương đồng với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (đặc khu) trước đây trình Quốc hội, không được thông qua. Do đó, Ủy ban này đề nghị nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.

MỚI - NÓNG