Đề xuất lập khu thương mại tự do, áp dụng các chính sách đặc biệt tại Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
TPO - Cơ quan thẩm tra nhận định, theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết, khu thương mại tự do tại Hải Phòng sẽ được áp dụng các chính sách đặc biệt, đột phá, trong đó sẽ có các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế…

Khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam

Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.

Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nội dung trong Nghị quyết là đề xuất phát triển Khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập.

Khu thương mại tự do được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá, có mô hình quản lý được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của khu thương mại tự do được quy định tại Nghị quyết. Khu thương mại tự do được tổ chức thành các khu chức năng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của khu thương mại tự do.

Theo dự thảo Nghị quyết, tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, hiện khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này. Đồng thời, qua nghiên cứu một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới cho thấy, việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu, đặc biệt, thời gian qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu thương mại tự do ở UAE, Singapore và Trung Quốc.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đồng tình với việc hình thành khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, đây là một ý tưởng tốt, nên ủng hộ chủ trương này. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho rằng, khu thương mại tự do sẽ tạo ra bước đột phá cho Hải Phòng.

Đề xuất lập khu thương mại tự do, áp dụng các chính sách đặc biệt tại Hải Phòng ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, căn cứ vào quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, khu thương mại tự do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị mới chỉ quy định: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng”. Trong khi đó, việc quy định hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

"Việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng”, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu quan điểm và cho rằng, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết, khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các chính sách đặc biệt, đột phá, trong đó sẽ có các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế… Tuy nhiên, các quy định này chưa làm rõ được nội hàm của các cơ chế này. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá tác động thì cơ chế, chính sách áp dụng cho khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể không phù hợp với các luật hiện hành.

"Tất cả những nội dung trên đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Do đó, việc cho phép Chính phủ quy định về các chính sách áp dụng cho khu thương mại tự do và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện là chưa phù hợp về thẩm quyền", ông Cường nêu.

Để bảo đảm tính khả thi, thuyết phục, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ lưu ý, đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018, cho thấy có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách, và tại thời điểm đó nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án (Luật Đặc khu). Do đó, Ủy ban này đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.

Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là chính sách rất mới, chưa có tiền lệ, cách trình như thế này “có vẻ chưa ổn”. Theo ông Thanh, vấn đề này phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền, có chủ trương về cơ chế, chính sách cụ thể, còn chủ trương thì ủng hộ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, phạm vi, ranh giới khu này phải quy định rất chặt chẽ, như trước đây đưa ra 3 khu hành chính kinh tế đặc biệt. Cũng theo ông Thanh, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các cường quốc kinh tế, rồi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bây giờ quay trở lại sử dụng cách làm cũ - khu thương mại tự do, thì vấn đề này phải đánh giá tác động, phải có một đề án rõ hơn.

MỚI - NÓNG