Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam

Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Ảnh: TTXVN
Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ đã gửi quốc hội văn bản của thỏa thuận với nội dung sẽ cho phép Mỹ chuyển giao các lò phản ứng và bí quyết công nghệ cho Việt Nam.

Ngày 8/5, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu xem xét một thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam (Hiệp định 123), trong đó những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận này sẽ đem lại hàng tỷ USD cho phía Mỹ.

Tổng thống Barack Obama đã gửi Quốc hội văn bản của thỏa thuận với nội dung sẽ cho phép Mỹ chuyển giao các lò phản ứng và công nghệ cho Việt Nam.

Thời gian để hai viện quốc hội Mỹ xem xét văn bản này là 90 ngày làm việc và thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực nếu không có ý kiến phản đối.

Viện Năng lượng hạt nhân, cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp này của Mỹ, ước tính thỏa thuận có thể mang lại 10-20 tỷ USD trong hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam và tạo ra hơn 50.000 việc làm tại Mỹ. Viện trên nhấn mạnh rằng nếu Quốc hội Mỹ phản đối thỏa thuận, các quốc gia khác “sẽ sẵn sàng lấp đầy chỗ trống này” khi mà Nga và Nhật Bản từng có nhiều thỏa thuận đảm bảo với Việt Nam.

Trước đó, ngày 24/2 vừa qua, Tổng thống Obama phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam, qua đó mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ bán nhiên liệu, công nghệ, lò phản ứng và thiết bị hạt nhân cho Việt Nam.

Ông nhận định thỏa thuận trên sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, không kéo theo các nguy cơ về quốc phòng và an ninh.

Thỏa thuận hạt nhân dân sự Việt - Mỹ được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10/2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei.

Theo văn kiện này, Việt Nam cam kết không sản xuất các thành phần phóng xạ phục vụ việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân.

Việt Nam cũng nhất trí không làm giàu hoặc tái chế urani - các bước quan trọng trong tiến trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tuân thủ các tiêu chuẩn không phổ biến hạt nhân của Mỹ.

Thị trường điện hạt nhân của Việt Nam được đánh giá hiện đứng thứ hai tại Đông Á, chỉ sau Trung Quốc, và ước tính sẽ đạt doanh thu 50 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới.

Năng lượng hạt nhân là phương án mà Việt Nam đang theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay, với mục tiêu năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng trên 10% nhu cầu tiêu dùng điện năng trong nước vào năm 2030.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG