Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng trong tháng 4

Quốc hội sẽ bầu các chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ 11.
Quốc hội sẽ bầu các chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ 11.
TPO - Thông tin trên được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại buổi họp báo trước kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIII chiều 18/3.

Tại buổi họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 21/3, dự kiến bế mạc ngày 12/4. Trong 19 ngày làm việc, Quốc hội dành 5 ngày thảo luận, xem xét thông qua 7 dự án luật; 4,5 ngày xem xét, đánh giá công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...

Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành 10,5 ngày (từ 31/3 – 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, vì sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư.

Theo ông Thông, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trả lời câu hỏi về việc kiện toàn nhân sự cấp cao, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc kiện toàn nhân sự cấp cao ngay tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII là vì "tới tận tháng 7/2016 mới tiến hành phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV. Đây là khoảng thời gian khá dài. Trong khi đó năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, vì vậy phải kiện toàn các chức danh mới này để đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng“. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Riêng các cơ quan bộ, ngang bộ thì sẽ chờ Thủ tướng trình.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm rằng, việc này không phải mới, không phải lần đầu tiên Quốc hội kiện toàn nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ngay sau Đại hội Đảng, mà đã có từ năm 2006. Ông dẫn dụ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI cũng đã thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...vào tháng 6/2006 mà đến tháng 7/2006 mới khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới.

“Việc kiện toàn nhân sự lần này vừa là yêu cầu của thực tế cũng vừa phù hợp với điều 10, điều 11 của Luật Tổ chức Quốc hội", ông Phúc nói.

Trước câu hỏi, đến thời điểm này đã có lãnh đạo nào gửi đơn xin từ nhiệm hoặc cơ quan nào làm tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm lãnh đạo của mình? Ông Phúc cho biết, theo Điều 10 luật Tổ chức Quốc hội quy định việc các chức danh cần có đơn gửi Quốc hội khi xin từ chức, còn Điều 11 thì quy định nếu cơ quan đề nghị việc miễn nhiệm thì cá nhân người lãnh đạo đơn vị đó không cần có đơn từ nhiệm.

Trước câu hỏi, có thông tin Trung ương đã thống nhất nhân sự cho 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện Trung ương chưa có danh sách chính thức trình Quốc hội về vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.