Quanh cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai”

Cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai”
Cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai”
TP - Bộ phim truyền hình nhiều tập “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng đang đi đến hồi kết và tạo dư luận nhiều chiều bởi cảnh nóng diễn ra chưa đầy hai phút, không hơn.

Trước hết phải khẳng định cảnh nóng này có trong tiểu thuyết. Chuyện Vạn ngủ với Hạnh, đứa con gái của người đàn bà ông thương, chính là một khúc ngoặt quan trọng góp phần đưa đến cái kết bi thảm ở “Bến không chồng”: Vạn tự tử khi Hạnh, sau một thời gian bỏ làng Đông ra đi, đã mang về một đứa con gái. Không ai khác, chính Vạn là cha đứa trẻ. Mặc cảm tội lỗi đã đẩy người đàn ông này tìm đến cái chết.

Nhà văn Dương Hướng miêu tả “cảnh nóng” trong “Bến không chồng” như sau: “Có tiếng sấm dậy lên. Trời mưa giông. Nguyễn Vạn thấy giần giật trong người, mặt nóng bừng, hai thái dương giật thon thót vì men rượu bây giờ mới ngấm. Gió bỗng nổi lên, ngoài Bến Không Chồng nước sông vỗ oàm oạp và mưa đổ xuống rào rào. Một luồng chớp sáng lóe qua khe cửa, ngọn đèn phụt tắt. Có tiếng hét và tiếng bước chân chạy rình rịch. Cánh cửa bỗng mở toang, nóng một người đàn bà ào vào lao tới giường ghì lấy Vạn.

-Ôi nó đấy… Nó đấy!- Người đàn bà khẽ thốt lên.

-Cái gì?

-Nó! Con ma mặt đỏ.

Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người không hiểu mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nóng trái tim cô đơn làm tâm trí Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn” v.v…

Còn trong phim “Thương nhớ ở ai” thì cảnh nóng được bắt nguồn từ quyết định bỏ làng Đông ra đi của Hạnh. Trước khi đi Hạnh đến chào chú Vạn, trong lúc đớn đau cô chợt nhận ra ông mới là người thấu hiểu, yêu thương cô nhất. Phòng tối, cô nhìn thấy một món đồ bốc cháy, Hạnh ra sức dập tắt. Cô thắp ngọn đèn dầu. Vạn, lúc này đang nằm lơ mơ trên giường nhỏm dậy.

Hạnh nói: “Cháu sẽ đi, đi khỏi cái làng này, đi ngay bây giờ và mãi mãi không trở lại nữa. Cháu đến để chào chú”. Hạnh xót xa khi nhận ra mới có vài ngày mà mái tóc chú Vạn đã bạc nhiều: “Cháu đi, mà chẳng biết cuộc đời rồi sẽ ra sao”. Vạn vớ lấy chai rượu đang dở uống tiếp. Hạnh giành lấy chai rượu trên tay Vạn: “Thôi chú, chú đừng uống nữa”. Cuộc tranh giành chai rượu khiến Hạnh ngã xuống giường. Vạn bất ngờ cởi áo… Ngoài kia,  mưa gió, văng vẳng tiếng kêu rên và… giường sập. Toàn bộ cảnh nóng diễn ra trong vòng hơn phút.

Quanh cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai” ảnh 1 “Thương nhớ ở ai” từng gây ồn ào vì diễn viên nữ không mặc nội y.

Một số người xem có ý kiến: Tại sao không cắt cảnh nóng này đi? Nhưng nếu cắt cảnh nóng giữa Vạn và Hạnh thì còn gì là phim, vì cảnh nóng này, như đã nói, đóng vai trò quan trọng trong diễn biến câu chuyện. Trên thực tế, nên có lời khen cho những người làm phim, gọi là cảnh nóng nhưng không có hình ảnh lộ liễu nào, chỉ khoe một phần trên của cơ thể nhân vật nam. Một độc giả ngơ ngác không hiểu vì sao cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai” ồn ào: “Chỉ thấy hai bàn chân và cái giường sụp, có gì đâu mà tranh luận ta?”.  Có thể nói, cảnh nóng trong “Thương nhớ ở ai” đạt ngưỡng an toàn, chủ yếu gợi cho người xem liên tưởng, không có gì bạo liệt hay có yếu tố gây sốc. Nhà văn Dương Hướng cũng bình: “Cảnh trong phim có gì đâu mà nóng?”.

Nhưng vẫn có vấn đề đáng nói quanh cảnh “giường sập”. Chỉ cần đọc đoạn văn của Dương Hướng ở trên và so với  trong phim sẽ thấy: Những người làm phim đã đảo ngược tình thế của hai nhân vật. Nếu trong tiểu thuyết của Dương Hướng, Hạnh như một kẻ điên, chạy xuống sông tắm và ào ào chạy lên ôm lấy Nguyễn Vạn đang trong cơn mê rượu, khiến cả hai “bùng nổ” thì trong phim, Hạnh tranh giành chai rượu, ngã xuống giường, Nguyễn Vạn cởi áo “hành động”. Tức là Hạnh trong tiểu thuyết ở thế chủ động, chuyển sang phim ở thế bị động.

Nguyễn Vạn trong tiểu thuyết ở thế bị động, sang phim, ngược lại. Nhà văn Dương Hướng bày tỏ quan điểm với TPCN: Việc thay đổi vai trò của hai nhân vật trong “cảnh nóng” như vậy khiến cho diễn tiến tâm lí của nhân vật có vẻ không ổn. Có một số người xem thắc mắc: “Thương nhớ ở ai” không hoàn toàn giống  “Bến không chồng”. Nhà văn lí giải: Phim “Thương nhớ ở ai” có đến 1/3 chi tiết lấy ở cuốn tiểu thuyết “Trần gian người đời” của Dương Hướng.

Ngoài ra phim còn được nhào nặn thêm một số chi tiết. Thí dụ, nhà văn không kể chuyện cô Hạnh bỏ làng đi ra sao, cô ấy làm cách nào để mưu sinh, tồn tại thì trong phim có hẳn một đoạn nói chuyện cô Hạnh buôn rau, làm thuê cho một hiệu thêu… sau khi bỏ làng. Theo Dương Hướng: “Phần nói về cô Hạnh, về bố cục có vẻ không hợp. Đang tập trung nói về làng Đông, tự dưng lại sang ngả khác, cảm giác phim bị loãng đi”. Nhưng về căn bản, nhà văn hài lòng với “Thương nhớ ở ai”: Phim  đầy đủ, cặn kẽ, không bỏ sót chi tiết quan trọng nào trong “Bến không chồng”.

Nhân tập 32 với cảnh nóng sập giường gây xôn xao, một số “thánh soi” đã nhặt “sạn” trang phục trong phim: Không hiểu cảnh phim diễn ra trong thời nào mà cậu bé mặc áo phông có hình mèo Oggy và những chú gián? Nhưng càng soi “sạn” và “cảnh nóng” lượng khán giả xem phim càng tăng. Bây giờ người ta xem hay nghe gì đó có khi cũng chỉ vì trí tò mò bị khiêu khích.

MỚI - NÓNG