> 10 người chết và mất tích trong cơn bão số 8
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn có 30 bè mảng bị vỡ, hư hỏng nặng tại nơi neo đậu; 1 nhà bị tốc mái tại xã Bản Sen; trên 300 ha lúa mùa sắp thu hoạch, 2km đường dây truyền thanh bị hư hỏng nặng tại xã Thắng Lợi. Một số điểm bị sạt lở, nứt gãy trên trục chính đường 334 đoạn qua thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên.
Toàn huyện Vôn Đồn có 3 tàu đắm ở xã Minh Châu.? Ngày 28-10, trên đường vào bờ tránh bão, tàu BKS 6807 của ông Lê Văn Le SN 1959 và vợ là Nguyễn Thị Hồng trú tại thôn 11, Hạ Long, Vân Đồn đã bị chìm tại khu vực xã Ngọc Vừng và mất tích.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết, hiện quân đội, UBND huyện Vân Đồn, xã Ngọc Vừng đang tích cực tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên sóng lớn và rất khó xác định được vị trí tàu đắm. Cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp như giăng lưới, rà dây nhưng chưa có kết quả.
Ngày 29-10, trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết. Việc để người trên lồng bè trên biển là lỗi của chính quyền địa phương.
Ông Hậu cũng cho biết, sáng cùng ngày Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo huyện Vân Đồn, đã kiểm điểm sâu sắc đối với lãnh đạo huyện và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Vân Đồn trong công tác tổ chức ứng phó với cơn bão, đặc biệt đã để 2 người mất tích.
Sắp tới, sẽ họp kiểm điểm và kỷ luật với tập thể và cá nhân huyện Vân Đồn...?Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo gắt gao việc tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả cơn bão để cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Sáng 29-10, mưa lớn khiến nước lũ trên các sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ gây ngập lụt thị trấn.
Nội thành Hải Phòng đã có điện
Tại Hải Phòng bão số 8 gây hậu quả nặng nề. Thông tin ban đầu, Hải Phòng có một người thiệt mạng là anh Nguyễn Văn Thịnh (37 tuổi, ở đảo Cát Bà), 9 người bị thương, 56 người trôi dạt trên biển được cứu sống kịp thời.
Gần 4.500 ngôi nhà, trang trại, trường học, công sở bị tốc mái và đổ sập, gần 2 nghìn cây cổ thụ, gần 900 cột điện bị đổ, gần 50 tàu thuyền bị đắm, hàng chục container rơi xuống biển... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính hơn 400 tỷ đồng.
Sáng 29-10, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền chủ trì cuộc họp gấp để tìm biện pháp khắc phục hậu quả mà cơn bão số 8 quét qua đất Cảng.
Hơn 21 giờ ngày 28-10, từng đợt gió kèm mưa lớn tràn vào nội thành Hải Phòng ngày càng mạnh. Sau ít phút, hầu hết toàn thành phố mất điện, mất nước.
Sáng 29-10, khắp các nẻo đường trung tâm thành phố Cảng, cổ thụ bật gốc nằm ngổn ngang, khiến nhiều con đường huyết mạch trung tâm nội thành bị tắc nghẽn. Các huyện ngoại thành Hải Phòng cả chục nghìn ha lúa chín sắp gặt chìm trong biển nước.
Hơn 8 giờ ngày 29-10, tàu đặc chủng SAR 411 cùng tàu Bộ đội Biên phòng đã vớt được một thi thể trôi dạt trên biển và cứu được 3 người.
Tối qua, điện và nước ở nội thành Hải Phòng bước đầu được khắc phục trở lại.
Dị thường
Bão Sơn Tinh dị thường cả về đường đi lẫn cường độ, liên tiếp gây bất ngờ cho hầu hết các trung tâm dự báo khí tượng cả thế giới lẫn Việt Nam, GS.TS Phan Văn Tân - Chủ nhiệm Khoa Khí tượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nhận định.
“Thực ra Trung tâm DBKTTVT.Ư đã chỉnh các bản tin dự báo khá sát với thực tế nhưng hạn dự báo không dài (dưới 12 tiếng) dẫn đến liên tục gây bất ngờ. Hiện tại họ đã có một mạng lưới radar khá tốt. Vì thế, họ không dễ gì nắm sai đường đi của bão trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng với hạn dự báo dài thì quả là khó không chỉ riêng đối với Việt Nam” - ông Tân nói.
Theo ông Tân, cái bất thường đáng nói ở bão Sơn Tinh là tốc độ di chuyển khá nhanh, cường độ tăng lên ít thấy và sự chuyển hướng khó lường so với đa số trường hợp khác.
Thay vì chuyển động thẳng theo quán tính, nó đã bị dòng môi trường cuốn theo. Dòng môi trường ở đây chủ yếu là hoàn lưu áp cao cận nhiệt Tây Thái Bình Dương.
Do có sự xâm nhập của không khí lạnh từ phía bắc nên bão đã không hoàn toàn đổ bộ vào đất liền nước ta. Thay vào đó, nó chỉ quệt qua vùng bờ biển khoảng từ Thái Bình đến Hải Phòng rồi đi ra hướng về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), thậm chí hướng hơi chếch về đông đông nam.
Trả lời câu hỏi: Tại sao càng vào sát bờ biển nước ta, bão lại càng mạnh, mạnh đến cấp 13-14, gần như ở ngưỡng siêu bão? Ông Tân cho biết: “Có lẽ đấy là bất ngờ lớn nhất đối với bão Sơn Tinh.
Cường độ của nó mạnh lên khá nhanh, ngay cả khi nó chạy dọc ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự biến đổi cường độ bão như vậy. Một là nhiệt lực, chẳng hạn nhiệt độ mặt nước biển. Và hai là động lực, tức là ma sát bề mặt, sự hội tụ của các dòng khí bên ngoài cơn bão, v.v... Trong trường hợp này, có thể nguyên nhân động lực chi phối chủ yếu”.
3 người chết, 13 người bị thương Sáng qua 29-10, sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp, sau đó di chuyển theo hướng đông bắc rồi suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, bão số 8 đã quét qua nhiều địa phương và gây thiệt hại lớn.Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến cuối giờ chiều 29-10, bão số 8 làm 3 người chết, 13 người bị thương. 11 nhà bị sập, gần 5.100 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó Hải Phòng gần 2.900 nhà, Thanh Hóa gần 2.200 nhà. Bão cũng đánh chìm 36 tàu, làm gần 24.000 ha lúa, hoa màu bị ngập hư hại, 700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Cũng do cấp gió bão lớn, đã đánh đổ cột phát sóng truyền hình ở Nam Định (cao 180 m) và Quảng Ninh (cao 15 m); đánh đổ trên 5.500 cột điện cao thế và hạ thế, trong nặng nhất là Nam Định. |
Chiều nay, miền Bắc trở lạnh Ngay sau khi bão số 8, tức bão Sơn Tinh, ra khỏi nước ta, khoảng trưa và chiều nay, thứ ba 30-10, một đợt gió mùa đông bắc mới sẽ ảnh hưởng đến thời tiết Bắc Bộ, sau đó là bắc và trung Trung Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư. Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, các tỉnh ở bắc và trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa rào và dông rải rác. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông từ chiều mai có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTVTƯ, cho hay, nhiệt độ các tỉnh Bắc Bộ sẽ giảm khoảng 3-5oC, trời trở lạnh. Vùng núi cao trời trở rét. |