Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ

Người dân Quảng Nam chạy đua với nước lũ. Ảnh H. Văn
Người dân Quảng Nam chạy đua với nước lũ. Ảnh H. Văn
TPO - Nước lũ tràn vào nhà, ngập sâu cả mét. Người dân Quảng Nam hối hả dọn đồ chạy lũ và tiếp tục cuộc mưu sinh.

Do ở vị trí địa hình thấp, lại ở một bên sông, người dân phường Phước Hòa (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) phải học cách sống chung với lũ. Từ chiều qua, sau khi nghe thông tin cảnh báo lũ cộng với các hồ Phú Ninh xả tràn, nhiều người dân đã chủ động dọn đồ trong đêm đưa đến nơi an toàn.

Ở vùng này, nhà ai cũng sắm một chiếc ghe, vừa để mưu sinh, vừa tiện đi lại trong nước lũ. Bà Trần Thị Hiền (63 tuổi, tổ 39, phường Phước Hòa) cho hay: "Nhà ở gần sông, mỗi lần mưa lớn là nước tràn vào nhà. Hay tin mưa lũ và thông báo xả lũ của hồ Phú Ninh nên phải huy động cả nhà dọn đồ từ chiều qua. Dọn hết đồ lên cao rồi nhưng tôi chưa yên tâm. Đêm qua, nước lên rất nhanh. Khoảng 3 giờ sáng, nước lên cao, tràn vào nhà” – bà Hiền nói.

Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 1
Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 2

Sáng sớm, bà Phạm Thị Sen (47 tuổi) loay hoay chất rau lên ghe mang ra chợ bán. “Mưa miết, lũ miết nên vẫn phải mưu sinh chứ. Chỗ nào sâu đi ghe, vừa vừa thì lội” – bà Sen nói.

Ông Lê Ngọc Thuận (48 tuổi, khối phố 6, phường Phước Hòa) cho biết: “Khi mưa lũ, cả nhà dậy sớm hơn mọi ngày. Sau khi sửa soạn, cả nhà leo lên ghe để ra đường lớn rồi đi học, đi làm”.

Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 3
Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 4

Tại huyện Đại Lộc, mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến nước dâng nhanh trong đêm, khiến người dân phải chạy đua với lũ. Mọi người hối hả đưa trâu bò, đồ đạc lên nơi cao nhằm hạn chế thiệt hại. Trong khi đó, nhiều tuyến đường bị nước ngập, bị lũ cô lập.

Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 5
Quảng Nam: Người dân chạy đua với nước lũ ảnh 6

Sáng 15/12, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã đưa ra cảnh báo về lũ lớn, kéo dài kéo dài, ngập lụt sâu, diện rộng có khả năng xảy ra trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.

Sớm nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8. Ngày và đêm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi phía Bắc có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến 14-16 độ C, vùng núi cao 7-10 độ C.

Khoảng đêm nay, không khí lạnh lại được tăng cường duy trì gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa). Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên từ nay đến hết ngày 17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và từ 16-18/12 ở Phú Yên đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200mm), riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (300-400mm/đợt)

Theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hiện hầu hết các hồ chứa đạt từ 80-100% dung tích thiết kế. Các tỉnh Bắc Trung Bộ cụ thể như sau: Quảng Bình: 95%; Quảng Trị: 97%; Thừa Thiên Huế: 83%. Có 4 hồ đang vận hành xả qua cửa van, trong đó tại Quảng Trị 2 hồ (Kinh Môn, Phú Dụng); Thừa Thiên Huế 2 hồ (Tả Trạch, Châu Sơn).

Trong khi đó các tỉnh Nam Trung Bộ các hồ chứa đã đạt từ 90- 96% dung tích thiết kế.

Đến 6h ngày 15/12, có các hồ đang xả theo quy trình vận hành liên hồ chứa (trong đó có 3 đang hồ xả với lưu lượng lớn) gồm: A Lưới: 403/409 m3/s; Tả Trạch: 1.040m3/s (21h); A Vương 109/353m3/s; Sông Tranh 2: 297/523m3/s; Vĩnh Sơn A: 46/46m3/s; Sông Bung 4: 398/405m3/s; Sông Ba Hạ: 3.200/3.200m3/s; Sông Hinh: 305/305m3/s; KaNak : 127/108m3/s; An Khê: 248/248m3/s ; Buôn Tua Srah: 178/166m3/s; Buôn Kuôp: 540/540m3/s; Srepok 3: 518/638 m3/s.

Riêng các hồ thủy điện xả qua biên giới, hồ thủy điện Sê San 4A (lưu vực sông Sê San), Srêpôk 4A (lưu vực sông Srêpôk) xả qua biên giới ở mức bình thường, chưa phải thông tin cho phía Campuchia. Riêng hồ A Lưới xả điều tiết ở mức 200-500 m3/s có thông tin cho phía tỉnh Se kôn (Lào).

Tính đến 6h sáng ngày 15/12, mưa lũ đã làm 3 người chết, 6 người bị thương. Có 49 nhà bị hư hỏng nặng (Khánh Hòa: 11 nhà; Bình Định: 11 nhà; Phú Yên: 25 nhà; Gia Lai: 2 nhà). 1.029 nhà bị ngập (Khánh Hòa 224 nhà; Bình Định: 985 nhà). 1.691ha lúa bị ngập, hư hỏng (Bình Định: 1.407 ha; Phú Yên: 875 ha; K.Hòa: 1.462ha; Gia Lai: 229ha); 294 ha hoa màu bị thiệt hại (Bình Định: 86 ha; Phú Yên: 15 ha; Gia Lai: 198ha).... Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng hơn 83 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.