Quảng cáo hàng giả, hậu quả nhãn tiền

0:00 / 0:00
0:00
Nạn nhân của mỹ phẩm giả mua trên mạng
Nạn nhân của mỹ phẩm giả mua trên mạng
TP - Gần như tuần nào cũng có bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm nhập viện da liễu. Nhiều bệnh nhân cho biết, họ mang họa bởi mỹ phẩm được quảng cáo trên mạng là “hàng xách tay” mà thực chất là hàng trôi nổi. Các chuyên gia y tế đã phát đi nhiều cảnh báo nhưng không ít người vẫn “dính”.

Chất độc hại trong sản phẩm rao bán trên mạng

Trên các trang mạng xã hội hiện nay, nhiều người đã lợi dụng để rao bán các sản phẩm như kem trị mụn, kem trắng da, kem chống lão hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có trang còn đưa cả giấy chứng nhận sản phẩm để người mua tin tưởng. Tuy nhiên theo các bác sĩ, hầu hết các loại mỹ phẩm kem làm trắng đều được trộn từ nhiều hóa chất khác nhau, trong đó thành phần chủ yếu là hóa chất tẩy da có chứa corticoid.

Bệnh viện Da Liễu T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhân nam, 22 tuổi nhập viện với tình trạng nhiều mụn mủ, mụn bọc gần như kín hết vùng mặt và các tổn thương sẩn mụn mủ rải rác tay, thân mình.

Qua hỏi bệnh, bệnh nhân có tiền sử trứng cá xuất hiện từ tuổi dậy thì với các tổn thương mụn viêm vùng mặt, bệnh nhân đã khám 1 đợt tại Bệnh viện Da liễu T.Ư cách 2 năm được chẩn đoán trứng cá, tổn thương khỏi hoàn toàn sau đợt điều trị. 6 tháng nay, tổn thương mụn xuất hiện trở lại vùng mặt.

Qua lời quảng cáo trên Facebook, bệnh nhân đặt mua và sử dụng bộ sản phẩm điều trị mụn gồm thuốc Nam dạng viên hoàn uống và thuốc bôi rửa không rõ nguồn gốc, sau 1 tháng tổn thương trứng cá của bệnh nhân biến mất nhanh chóng nhưng sau 2 tuần xuất hiện trở lại ồ ạt vùng mặt, xuất hiện thêm nhiều sẩn mụn mủ vùng thân mình, cánh tay.

Quảng cáo hàng giả, hậu quả nhãn tiền ảnh 1

Cơ quan chức năng kiểm tra mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng sẩn, mụn mủ nghiêm trọng vùng mặt, thân mình, không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mĩ mà còn gây cảm giác ngứa, nóng rát khó chịu. Bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp điển hình của trứng cá do thuốc và không hiếm gặp tại các phòng khám da liễu. Bác sĩ khuyến cáo, trứng cá là một bệnh lý da liễu thông thường nhưng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị không đúng, cần đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để điều trị thích hợp. Đặc biệt, không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cô gái L.H.L (23 tuổi, Hà Tĩnh) đến Bệnh viện Da liễu T.Ư khám trong tình trạng da mặt bị “cháy” đen sạm, tổn thương phù nề, đỏ thẫm, ngứa rát. Thời gian gần đây mặt cô xuất hiện nám, trứng cá.

Khi vào mạng thấy quảng cáo nhiều sản phẩm dưỡng chất trị nám và trứng cá với những lời quảng cáo hấp dẫn, sẽ thay da sinh học, bóc hết lớp da nám, mụn thay thế bằng làn da mới đẹp và trắng sáng hơn. Cô mua ngay sản phẩm được quảng cáo trên Facebook với giá 100.000 đồng.

Sau 2 lần bôi sản phẩm, L. cảm thấy da bị thâm sạm, đổi màu và kích ứng như ong đốt. Gọi điện cho người bán hàng, cô nhận được câu trả lời là do da chưa đủ thời gian bong tróc, cần bôi thêm vài lần. L, cố bôi thêm vài lần theo hướng dẫn. Kết quả da nóng như lửa, sạm đi nhưng cô vẫn kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn.

Chỉ đến khi da “cháy” đen L, mới đi khám. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Viện Da liễu T.Ư cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do hóa chất.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, do điều kiện kinh doanh không khắt khe như đối với thực phẩm, dược phẩm nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng. Hiện nay, khó khăn chủ yếu trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc là công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường mạng internet.

Hậu quả lâu dài, điều trị tốn kém

Theo các chuyên gia da liễu, việc khắc phục tình trạng tăng sắc tố do sử dụng kem trộn sẽ mất thời gian dài. Trung bình từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí với những trường hợp mất sắc tố thì bác sĩ cũng “bó tay”.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.

Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là những loại có chứa corticoid, bác sĩ phải căn cứ vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị có thể kéo dài, gây tốn kém về tiền bạc.

Bác sĩ khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khi có vấn đề về da không nên tự mua các sản phẩm theo đồn thổi, cần điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Khó giám sát, xử lí mỹ phẩm giả trên môi trường mạng

Hoạt động quảng cáo, bán mĩ phẩm trên các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng lợi dụng kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận để tránh mắc bẫy của những thông tin quảng cáo độc hại trên không gian mạng. Trong đó, mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt.

Trên các “khu chợ mạng” hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả. Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường được trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG