Thông tin trên khiến cho hơn 100 hộ dân sống bằng nghề biển của 3 thôn Thọ Sơn, Minh Sơn và Đông Hưng của xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lo lắng. Theo người dân, việc đổ lượng lớn chất thải lên bãi biển thôn Thọ Sơn không chỉ gây ô nhiễm môi trường cả trên cạn và dưới nước, mà còn cản trở đường ra biển của ngư dân.
Khu vực bãi biển mà Quảng Bình dự kiến đổ 400.000m3 chất thải nạo vét từ xây dựng Cảng Hòn La. |
Ngư dân Nguyễn Văn Như (64 tuổi, thôn Thọ Sơn) cho biết: vùng ven bờ vịnh Hòn La là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân trong vùng. Mùa nào thức ấy, vùng biển ven bờ ấy đã nuôi sống hằng bao thế hệ người dân nơi đây.
“Khi nghe tin vị trí này được đề xuất đổ chất nạo vét tôi và người dân trong vùng đã rất lo lắng. Chúng tôi đã sống dựa vào biển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu môi trường bị ô nhiễm, đường ra biển bị chặn bởi bùn đất và chất thải, chúng tôi sẽ không còn cách nào khác để kiếm sống” – ông Như nói.
Ngư dân Nguyễn Văn Như cho rằng, việc đổ thải là "bức tử" sinh kế của ngư dân. |
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, thừa nhận những lo ngại của người dân là chính đáng. Sau khi có văn bản đề xuất của Sở TN&MT, nhiều người dân đã yêu cầu xã đề xuất cơ quan ban ngành giữ lại khu vực bãi biển tại thôn Thọ Sơn cho bà con ngư dân.
Theo ông Hiền, diện tích khu vực bãi đổ chất nạo vét được đề xuất sẽ ảnh hưởng khoảng 100 hộ dân thuộc 3 thôn: Thọ Sơn, Minh Sơn và Đông Hưng. Khu vực này là nơi sinh hoạt, lao động tập trung đông đảo của bà con, nhất là ngư dân.
“Người dân chủ yếu sống dựa vào biển, việc đổ chất thải nạo vét tại đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, khi thời tiết vào mùa mưa bão lượng chất nạo vét có khả năng trôi ra biển, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống bà con ngư dân. Đặc biệt, ảnh hưởng đến phương pháp đánh bắt thủ công ven bờ của bà con nơi đây” – ông Hiền khẳng định.
Chính quyền UBND xã Quảng Đông cho biết đã lắng nghe, ghi nhận những phản ánh của người dân và sẽ ý kiến với các sở ngành, UBND tỉnh Quảng Bình để tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người dân và dự án.
Người dân 3 thôn: Thọ Sơn, Minh Sơn, Đông Hưng của xã Quảng Đông đều ra biển đánh bắt qua bãi biển này. |
Theo văn bản đề nghị, việc thi công nạo vét luồng, khu quay trở và khu đậu tàu của Cảng Hòn La sẽ làm phát sinh khoảng 300.000m³ và 100.000m³ từ việc nạo vét duy tu luồng.
Giai đoạn 1, diện tích khu vực bãi đổ chất nạo vét được đề xuất khoảng 8,41 ha ở khu vực bãi biển thôn Thọ Sơn. Chất thải nạo vét tại khu vực dự án, gồm 4 lớp: bùn sét; cát hạt mịn; bùn sét pha xen các lớp cát mỏng; và đá Ryolite.
Trao đổi vấn đề này với người ký văn bản đề nghị là ông Phan Văn Hào, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, ông Hào cho biết: Việc thi công Cảng Quốc tế tổng hợp Hòn La phát sinh gần 1,5 triệu m3 vật chất nạo vét. Chủ đầu tư đã sử dụng để san lấp hết gần 1,4 triệum3, nay còn lại chừng 125.000m3 chứ không phải 400.000m3 như văn bản đề nghị trước đây.
Để đề xuất UBND tỉnh chấp thuận việc đổ thải, Sở TN&MT đã nghiên cứu rất kỹ, và họp bàn ít nhất 2 lần với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan. Theo đó, vị trí đổ thải nằm trong Khu Kinh tế Hòn La, đã được quy hoạch làm cảng biển. Việc đổ thải lên đó là nhằm tiết kiệm tài nguyên, phục vụ cho việc san lấp sau này khi xây dựng cảng tại vị trí đó.
Ông Hoà nói, vị trí đổ thải đã quy hoạch làm cảng biển và dùng công nghệ Mỹ làm đê chắn nên không gây ô nhiễm môi trường. |
Ông Hào cho rằng đơn vị thi công sử dụng ống geotub, chuyên dụng công nghệ Mỹ, bơm vật chất vào ống, làm đầy ống tạo đê chắn, sau đó bơm vật chất vào bãi. Việc nước chảy thẩm thấu qua ống (đa số là cát) như một màng lọc, chỉ có nước trong chảy ra biển nên không gây ô nhiễm môi trường.
Loại ống geotub công nghệ Mỹ đang được sử dụng tại một số dự án |
Liên quan đến việc người dân phản ứng chắn lối ra biển, ông Hào cho rằng, đất tại vị trí đổ thải đã giao cho Ban Quản lí Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình và đã quy hoạch cảng biển nên không phải bãi biển cộng đồng. Và về lâu dài, khi xây dựng cảng biển thì người dân không thể ra đó để đánh bắt.