Hiu hắt Hòn La
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, do ảnh hưởng của bão số 4, mưa bắt đầu đổ xuống địa bàn Quảng Bình vào rạng sáng nay (25/7) và ngày càng nặng hạt. Gió cũng bắt đầu to dần, có nơi đạt đến cấp 6 vào trưa nay, như ở vùng Bắc huyện Quảng Trạch. Cả tỉnh Quảng Bình gấp rút chuẩn bị chống bão.
Ngư dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch đang đưa thuyền lên bờ tránh bão
Cảng Hòn La hiu hắt trước giờ bão số 4 đổ bộ
Chỉ duy nhất một chiếc tàu hàng bị sóng đánh gãy đôi nằm lại trên mặt vịnh Hòn La
Tại cảng Hòn La, nơi có hơn 60 chiếc tàu, thuyền, xà lan bị sóng đánh chìm trong cơn bão số 2, hiu hắt không một bóng người. Trên mặt vịnh, chỉ còn lại duy nhất một chiếc tàu hàng bị sóng đánh gãy đôi cơn bão trước không thể di chuyển.
Ông Nguyễn Văn Xuân, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch cho biết: “Thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra tại vịnh Hòn La quá nặng nề vẫn chưa khắc phục xong. Rút kinh nghiệm, các ngư dân quanh vùng đã cho tàu cá của mình vào các khu neo đậu ở sông Roòn, sông Gianh để tránh trú bão hết rồi. Ở khu vực Hòn La chỉ dành cho các tàu lớn, các tàu cá tránh bão ở đây không an toàn.”
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hằng hải Quảng Bình cho biết: Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 2, ngay khi có dự báo bão số 4 sẽ đổ bộ vào Quảng Bình, cảng vụ đã ra thông báo, buộc các tàu thuyền phải rời khỏi cảng Hòn La nhằm tránh thiệt hại. Hầu hết các tàu thuyền đều tuân thủ, có tàu chạy ra các cảng phía Bắc, có tàu thì vào cảng Gianh để tránh trú bão.
Nói về khả năng chống bão của vịnh Hòn La mà lâu nay Quảng Bình vẫn rất tự hào, ông Tùng nói, đây là câu chuyện dài, nhưng trên thực tế, vịnh Hòn La chỉ có thể che chắn được sóng của gió mùa Đông – Bắc, còn bão thì không thể.
Thiệt hại chồng thiệt hại
Đi dọc bờ vịnh Hòn La, tìm mãi chúng tôi mới bắt gặp được vài ngư dân Quảng Ngãi đang trụ lại ở đây để tìm cách trục vớt những chiếc tàu của mình bị chìm trong cơn bão trước.
Ông Nguyễn Phụng, ngư dân đến từ Quảng Ngãi ngồi co ro trên bờ nhìn ra chiếc tàu cá nửa nổi, nửa chìm của mình than thở: “Tàu mà nằm kiểu này, bão vào, chỉ cần vài đợt sóng thì coi như tan tành”.
Ông Phụng cho biết, ông có đôi tàu gần 1.000 CV ra Quảng Bình làm nghề giã cào. Bão số 2, cả đôi tàu của ông bị sóng đánh chìm trong vịnh Hòn La. Ông thuê công ty trục vớt hết 400 triệu, nhưng họ vưa mới đưa được một chiếc lên đà để sửa chữa, chiếc còn lại làm chưa kịp thì bão số 4 ập vào. Đơn vị trục vớt đã rút quân vì sợ bão, còn ông ở lại trông tàu.
Tàu, thuyền táo chạy khỏi Hòn La vào sâu trong sông Gianh tránh bão số 4
Ông Nguyễn Phụng ngồi nhìn gia sản của mình sắp bị bão số 4 lấy đi
“Tiếc của thì ngồi đây thế thôi, chứ cũng không làm được gì. Bão mà vào thật thì chẳng còn gì mà trục vớt, thiệt hại lại chồng lên thiệt hại. Nhiều người bảo tôi về quê hoặc tìm đâu đó nghỉ ngơi, đến đâu hay đó. Nhưng đi làm sao được, khi cả gia sản mình đang nằm đó mà” – ông Phụng chia sẻ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương vào 15h hôm nay, bão số 4 đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió bão cấp 8, giật cấp 10; Cửa Việt (Quảng Trị) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Đông Hà (Quảng Trị) gió giật cấp 9; vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có gió giật cấp 6; ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình gió giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm.
Hồi 16h ngày 25/07, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Trong chiều tối và tối nay (25/7), vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị còn có gió giật mạnh cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3m. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị cao từ 2-3m. Trên đất liền khu vực Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; ở vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-7.
Theo Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 15 giờ chiều nay, đã có 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn, công tác phòng chống bão số 4 được được triển khai tích cực tại địa phương.
Ông Lê Minh Ngân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết, rút kinh nghiệm sau cơn bão số 2, UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương kiểm tra hướng dẫn các biện pháp neo đậu đúng kỹ thuật để đảm bảo thiệt hại ít nhất có thể xảy ra.
Các Sở, ngành và các địa phương ở Quảng Bình cũng đã sẵn sàng phương án di dời hơn 10.000 hộ dân ở các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông đến nơi an toàn.
Hiện tại, mức nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang đạt 50 đến 80% so với dung tích thiết kế, riêng hồ Cửa Nghè đạt 100%.