Hai nhà máy nhiệt điện 'khủng' tại vịnh Hòn La: Tỉnh quyết tâm, dân lo

0:00 / 0:00
0:00
Vị trí hai nhà máy nhiệt điện chỉ cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vài kilomet
Vị trí hai nhà máy nhiệt điện chỉ cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vài kilomet
TP - Tập đoàn EVN đã và đang đầu tư xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tại Khu Kinh tế Hòn La, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), trong bối cảnh nhiều địa phương trong nước “tẩy chay” nhiệt điện, làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường. 
Án ngữ khu vực nhiều tiềm năng du lịch
Theo phê duyệt của Chính phủ, Tại Khu Kinh tế Hòn La sẽ có 2 nhà máy nhiệt điện chạy than thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch với số vốn đầu tư dự kiến gần 3,7 tỷ USD, tương đương 96.000 tỷ đồng. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/2/2021.
Hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đã được tổ chức đấu thầu quốc tế và đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến tổ máy số 1 sẽ phát điện vào năm 2024; còn Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II sẽ hoàn thành vào năm 2029. Tổng công suất của hai nhà máy nhiệt điện này là 2.400MW, sản lượng điện thương phẩm khoảng 15,8 tyr kWh/năm.

“Dự án sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng về các thông số chất lượng khí thải, nước thải, được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát liên tục 24/24h”, 
Ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở TNMT Quảng Bình

Việc hai nhà máy nhiệt điện “khủng” đặt tại khu vực vịnh Hòn La đang làm dấy lên lo ngại trong dư luận Quảng Bình về tình trạng ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động. Dư luận cho rằng, Quảng Bình đang xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc hai nhà máy nhiệt điện án ngữ ngay phía Bắc tỉnh, gió mùa Đông - Bắc sẽ đưa toàn bộ không khí ô nhiễm bao trùm tỉnh Quảng Bình; rồi nước thải của hai nhà máy này theo dòng hải lưu làm ô nhiễm dọc bờ biển Quảng Bình, tương tự như sự cố môi trường biển do Formosa từng gây ra. Đặc biệt, khu vực vịnh Hòn La là nơi chứa đựng nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, hiện nhiều doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư vào đây. Đáng lưu ý, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách thăm viếng, chỉ cách hai nhà máy nhiệt điện này vài kilomet.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc đầu tư xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tại Hòn La sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ… Ngoài ra, khi hai nhà máy đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm, còn giải quyết công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng hơn 2.000 lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao vào làm việc ổn định lâu dài tại nhà máy. 
Công nghệ tiên tiến nhất để bảo vệ môi trường?
Ban Quản lý dự án Điện 2 cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đang trong quá trình đấu thầu sử dụng công nghệ tiên tiến và thông số kỹ thuật nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay và được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn châu Âu nên nồng độ các chất trong khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước và bộ tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới - WB. 
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu quả tới 99,75%. Do vậy, hoạt động nhà máy sẽ đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh. Về phát thải khí, nhà máy sẽ áp dụng công nghệ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat là thành phần sẵn có trong nước biển, nên sẽ không gây tác động đến môi trường thủy sinh.
Theo PGS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học Nhiệt Việt Nam cho hay: “Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng than bitum nhập khẩu có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp. Than nhập khẩu có hàm lượng tro bằng 1/6 hàm lượng tro nội địa. Than này có tính chất rất dễ cháy nên cháy kiệt, cháy tốt, tro xỉ thải ra đạt chất lượng rất cao, có thể đóng thành như bao xi măng và bán ngay được. Đặc biệt, tro này có thể làm vật liệu xây dựng các đập thủy điện. Nói chung tro này ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu”.
MỚI - NÓNG