Quảng Bình: Bất thường gói thầu giao thông hơn 22 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù xác định 2 nhà thầu vi phạm Điều 16, Luật Đấu thầu tại gói thầu làm đường giao thông do UBND huyện Lệ Thuỷ làm chủ đầu tư, nhưng tổ chuyên gia chỉ đề xuất cấm đấu thầu mà không thu bảo lãnh; trong khi đó, nhà thầu bỏ giá thấp nhất bị đánh trượt.

“Quên” áp dụng luật?

Ngày 7/6/2024, UBND huyện Lệ Thủy (chủ đầu tư) có Quyết định số 2074, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 8 xây lắp công trình xây dựng tuyến đường giao thông liên xã từ xã Kim Thuỷ đi xã Ngân Thuỷ.

Quảng Bình: Bất thường gói thầu giao thông hơn 22 tỷ đồng ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Lành - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Tiến, cho biết sẽ theo kiện đến cùng để bảo vệ quyền lợi của công ty.

Cả 3 nhà thầu có giá chào thấp hơn đều bị loại, còn nhà thầu có giá chào cao nhất là Liên danh Nghĩa Đạt - Linh Lân, được đề nghị trúng thầu với giá 22,543 tỷ đồng (giá trị dự toán gói thầu được phê duyệt 22,576 tỷ đồng, tiết kiệm 33 triệu đồng).

Theo đó, 3 nhà thầu bị loại gồm: Công ty CP Đầu tư phát triển Hội An (Công ty Hội An – không đạt về mặt kỹ thuật); Liên danh Đông Tây – Thái An (không đạt do gian lận); Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến (Công ty Việt Tiến – không đạt về tài chính).

Giải thích của tổ chuyên gia chấm thầu, lý do mà Công ty Hội An bị loại là do “không trả lời làm rõ theo yêu cầu” (vi phạm Điểm C, Khoản 3, Điều 16, Luật Đấu thầu năm 2023); Đối với Liên danh Đông Tây – Thái An bị loại là do “gian lận” (vi phạm Khoản 4, Luật Đấu thầu năm 2023).

Chiếu theo Điểm a, Khoản 1, Điều 125, Nghị Định số 24/2024, tổ chuyên gia đã đề xuất chủ đầu tư đề nghị với cấp có thẩm quyền ra quyết định cấm đấu thầu với 2 nhà thầu nêu trên, mà không thu bảo lãnh dự thầu của họ.

Theo quy quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 14, Luật Đấu thầu năm 2023 quy định việc bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau: “Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật này…”.

Theo một chuyên gia trong đấu thầu, với hành vi vi phạm của 2 nhà thầu là Công ty Hội An và Liên danh Đông Tây – Thái An, đáng ra tổ chuyên gia phải đề xuất thu bảo lãnh và cấm đấu thầu thì mới đúng luật. Việc “quên” áp dụng Điều 16, Luật Đấu thầu năm 2023 của tổ chuyên gia đã làm thất thoát ngân sách Nhà nước 700 triệu đồng.

3,7 tỉ đồng thua 33 triệu đồng

Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, nhà thầu có giá chào thấp nhất (18,876 tỷ đồng) là Công ty Việt Tiến cho rằng bên mời thầu, tổ chuyên gia đã loại hồ sơ dự thầu của họ không đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Lành - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến, nhà thầu Việt Tiến được đánh giá đạt tiêu chí 3.1 (kết quả hoạt động tài chính) theo đánh giá tự động từ hệ thống, nhưng tổ chuyên gia lại đánh giá Việt Tiến không đạt ở tiêu chí này.

Tiêu chí 3.1 của hồ sơ mời thầu yêu cầu: Giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương (giá trị tài sản ròng = tổng tài sản – tổng nợ).

Đối chiếu với yêu cầu này, giá trị tài sản ròng năm 2022 của nhà thầu Việt Tiến theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán là dương 151 tỷ đồng, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Vì vậy, việc tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu Việt Tiến không đạt tiêu chí 3.1 là hoàn toàn không có cơ sở.

Trong phần giải thích lý do nhà thầu Việt Tiến không đạt, tổ chuyên gia đưa ra lập luận: Số tiền nợ thuế nhà thầu kê khai tại báo cáo tài chính năm 2022 là không chính xác nên số liệu báo cáo tài chính năm 2022 của nhà thầu không có cơ sở để đánh giá.

Lập luận này của tổ chuyên gia là hoàn toàn thiếu căn cứ: Số tiền 57 triệu đồng (làm tròn) kê khai trong Báo cáo tài chính năm 2022 của nhà thầu là tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp (đã được cơ quan thuế xác nhận hoàn thành nghĩa vụ).

Ngoài ra, báo cáo tài chính năm 2022 của nhà thầu đã được cơ quan thuế kiểm tra và xác nhận, số tiền nợ 58,8 tỷ (làm tròn) là tiền sử dụng đất (không phải tiền thuế) của Dự án khu nhà ở thương mại thôn Hà Thiệp – Bắc Ninh do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến và Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn làm chủ đầu tư.

“Các số liệu về tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất là hoàn toàn độc lập nhau. Vì vậy, việc tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu Việt Tiến không đạt tiêu chí 3.1 là hoàn toàn không có cơ sở” – ông Lành khẳng định.

Tương tự, trong phần giải thích bổ sung lý do nhà thầu Việt Tiến không đạt, các thành viên tổ chuyên gia cho rằng, do nhà thầu bị cưỡng chế hóa đơn nên nếu trúng thầu, nhà thầu sẽ không đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện hợp đồng.

Với lập luận này, ông Lành cho rằng tổ chuyên gia hoàn toàn chủ quan, thiếu cơ sở. Đối với gói thầu số 8 này, hồ sơ mời thầu yêu cầu nguồn lực tài chính cho gói thầu tối thiểu là 6,9 tỷ đồng (làm tròn). Theo đó, nhà thầu đã chứng minh bằng cam kết tín dụng do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Quảng Bình phát hành với số tiền là 6,937 tỷ đồng.

Theo ông Lành, lý do đánh trượt nhà thầu Việt Tiến là tổ chuyên gia "tự nghĩ ra" chứ trong Luật Đấu thầu không quy định. Ông Lành cho biết sẽ phát văn bản gửi các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Tiến, đồng thời góp phần lành mạnh hoá môi trường đấu thầu hiện nay.

Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

MỚI - NÓNG