Các quan tham Trung Quốc thường bị truy nã về tội hối lộ, tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Theo tuần báo Tin tức Trung Quốc, Canada, Mỹ và Úc nằm trong số điểm đến ưa chuộng của các quan tham bỏ trốn khỏi đất nước. Nga, Mỹ La tinh, châu Phi, Đông Âu, các đảo quốc Thái Bình Dương và khu vực Trung Mỹ cũng được quan tham và tội phạm kinh tế đại lục coi là những địa điểm an toàn. Họ thường áp dụng công thức “bảy bước để chuồn”.
Trước tiên, chuyển tài sản ra ngoài. Bước hai, tìm cách đưa vợ con, người thân trong gia đình sang nước ngoài học tập hoặc làm việc. Bước ba, quan chức xin hộ chiếu nước ngoài, được cấp nhờ việc mua sắm tài sản bằng tiền vơ vét được khi làm việc. Sau đó, họ xin nghỉ việc hoặc đơn giản là biến mất và ẩn náu đâu đó trước khi có được các giấy tờ cần thiết. Cuối cùng là bỏ trốn.
Đôi khi các quan tham còn sử dụng cả thẻ căn cước hoặc hộ chiếu giả để lọt qua hải quan và biên phòng. Một số khác chọn cách mất tích trong các chuyến công tác nước ngoài và không bao giờ quay về. Theo một ngân hàng trung ương điều tra các chiến dịch rửa tiền, các “khỏa quan” (quan chức vẫn ở đại lục, trong khi vợ con họ sống tại nước ngoài) thường sử dụng chiêu thức đưa lậu, đầu tư qua biên giới, chuyển nhượng qua một số cá nhân liên đới ở hải ngoại nhằm chuyển tài sản ra nước ngoài.
Đưa lén từng khoản tiền nhỏ có lúc được nhiều người coi là an toàn hơn vì ít để lại dấu vết và ít bộc lộ ý đồ trốn chạy khỏi đất nước. Một số chiêu thức khác liên quan những hoạt động bất hợp pháp hoặc chuyển đổi ngoại tệ qua biên giới thông qua các ngân hàng hoạt động mờ ám. Các quan tham đào tẩu cũng hay sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm hay rút những khoản tiền lớn ở nước ngoài nhằm chuyển tài sản.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, những quan tham cấp thấp vơ vét được ít tài sản thường chọn cách trốn sang các nước láng giềng châu Á như Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Mông Cổ và Nga do chi phí đi lại và mức sống thấp.
Trong khi đó, quan tham cỡ lớn bị cuốn hút sang các nước phương Tây như Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan. Mỹ và Canada là sự lựa chọn hàng đầu của các quan tham vì hai nước này không có hiệp định dẫn độ với Trung Quốc.
Truy bắt
Chính quyền Trung Quốc buộc phải xử lý những tổn hại về kinh tế và lòng tin của người dân đối với chính phủ, luật pháp và công bằng xã hội gây nên bởi số lượng lớn quan tham bỏ trốn, báo International Business Times (Mỹ) đưa tin.
Cục Điều tra tội phạm kinh tế - Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập các nhóm đặc nhiệm nhằm truy bắt các quan tham bỏ trốn. Hơn 730 tội phạm kinh tế, bao gồm các quan chức đào tẩu, bị bắt về từ 54 quốc gia, vùng lãnh thổ kể từ năm 2008.
Năm 2001, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại Quảng Đông Yu Zhendong chuồn khỏi đại lục cùng với hai cựu giám đốc sau khi tham nhũng 228 triệu USD công quỹ.
Họ bắt đầu chuyển tiền sang Hong Kong từ hai năm trước đó, và rửa tiền thông qua bất động sản, thương mại và sòng bạc trước khi chuyển ra nước ngoài. Cả ba đã trốn sang Mỹ qua đường Hong Kong. Yu Zhendong bị dẫn độ về Trung Quốc năm 2004 và bị kết án tù
12 năm.
Theo một tài liệu của China News Service, năm 2006, khoảng 800 tội phạm tài chính đại lục ẩn náu ở hải ngoại với 70 tỷ nhân dân tệ (11,4 tỷ USD) tài sản.