Dự báo này phần nào được chứng thực qua tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov vừa qua, khi cho biết Nga "chưa có ý định chiến tranh" với Thổ Nhĩ Kỳ.
Quy mô hợp tác thương mại, kinh tế và du lịch giữa đôi bên rất lớn, theo các thống kê chưa đầy đủ.
Lượng hàng thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vào Nga không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chính quyền Moscow áp dụng lên các mặt hàng tương tự của châu Âu hồi năm 2014. Tổ chức Renaissance Capital cho biết trong năm 2014, 4% lượng hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu thuộc ngành dệt may và thực phẩm là đến thị trường Nga, với tổng trị giá 6 tỉ USD.
Các resort du lịch nghỉ dưỡng theo mùa ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm đến yêu thích của công dân Nga. Nga đứng thứ 2 chỉ sau Đức về lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Ankara hiện đang áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Nga. Năm 2014, có 4,4 triệu người Nga đến Thổ, trong đó bao gồm 3,3 triệu khách du lịch.
Về năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn thứ 2 của Nga sau Đức đối với mặt hàng khí gas tự nhiên. Nga mỗi năm bán sang Thổ Nhĩ Kỳ 28-30 tỉ m3 khí gas tự nhiên, trong tổng số 50 tỉ m3 nhu cầu mỗi năm Ankara cần dùng.
Nga là nhà cung cấp các mặt hàng dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.
Nhiều dự án do Nga đầu tư hiện cũng đang được triển khai với Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2013, tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga đã ký hợp đồng trị giá 20 tỉ USD với Ankara trong dự án xây dựng nhà máy phát điện 1.200 megawatt.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là đối tác đối với dự án Dòng chảy phương Nam, vận chuyển nguồn khí đốt qua các nước châu Âu không thông qua Ukraine.
Theo chuyên gia Ian Kearns thuộc Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (ELN), quy mô hợp tác thương mại, kinh tế và du lịch giữa đôi bên khiến Nga ít có khả năng tiến hành chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắn rơi Su-24 của Nga.
Về chính trị, Nga và các nước phương Tây hiện đang phải xích lại gần nhau do cuộc chiến với tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS).