Mỹ tiêu nhiều tiền cho quân sự hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhiều hơn rất nhiều. Ngân sách khổng lồ 649 tỷ USD, chỉ dành cho quân đội Mỹ trong năm 2018. Nhưng trong 30 năm qua, Trung Quốc đã đi từ chỗ chi 20 tỷ USD ngân sách quân đội/năm lên mức 250 tỷ USD/năm. Vậy điều đó liệu có nghĩa rằng kỷ nguyên Mỹ làm chủ về quân sự toàn cầu sau khi Liên Xô sụp đổ đang đi đến hồi kết? Hay sự bá chủ của Mỹ vẫn còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới? Điều này thật khó dự đoán, nhưng xét trên hiện trạng các công nghệ chủ chốt hỗ trợ khả năng của người Mỹ trong việc triển khai “công lực” ra toàn cầu sẽ thấy khả năng của Mỹ lớn đến mức nào.
Quy mô ngân sách quốc phòng khổng lồ của Mỹ kéo dài trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến sự khác biệt rất lớn và rất khó có thể đong đếm đầy đủ. Đó là sự khác biệt không chỉ về quân số, mà còn là số lượng xe tăng, tàu chiến, máy bay, trực thăng, vệ tinh và các thiết bị quân sự khác, và còn nữa, là sự khác biệt trong huấn luyện và hệ thống, cho phép tất cả các khí tài đó và con người làm việc hiệu quả với nhau.
Nếu tính về quân số, Trung Quốc nhiều hơn Mỹ một chút. Tuy nhiên, đó là thứ duy nhất Trung Quốc vượt Mỹ và điều này ít có ý nghĩa trong một thế giới công nghệ. Hiện nay Mỹ có hiện diện quân sự tại 50-80 quốc gia (tùy theo cách tính toán, và một số căn cứ quân sự nhỏ của Mỹ được giữ bí mật). Mỹ có hơn 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu (một số được gọi bằng một cái tên gì đó không có chữ căn cứ quân sự, nhưng về bản chất thì đúng là nơi có lính Mỹ và có thể từ đó phát động tấn công). Tờ New York Times ước tính, khoảng 200.000 quân Mỹ được triển khai ở ngoài nước.
Trong khi đó, theo Tạp chí Công nghệ MIT, Trung Quốc có ba căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti, Tajikistan và Campuchia (trừ căn cứ ở Djibouti được công khai, hai căn cứ còn lại, theo Công nghệ MIT, nằm trong bí mật).
Trung Quốc cũng có một số binh lính được triển khai tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Công hòa dân chủ Congo, Lebanon, Mali, Sudan, và Nam Sudan.
Nhiều thập kỷ liên tục được bơm số tiền khổng lồ đầu tư giúp quân đội Mỹ vượt rất xa các đối thủ về năng lực triển khai sức mạnh toàn cầu. Chỉ nói đơn giản thế này: Mỹ vượt xa Nga và Trung Quốc về không vận, về năng lực hậu cần. Các máy bay tiếp dầu trên không của Mỹ là thế mạnh rõ ràng của không quân, hải quân của họ, trong khi cả Nga và Trung Quốc đều chưa thể so sánh. Ví dụ, Mỹ có hơn 530 máy bay tiếp dầu trên không, trong khi Trung Quốc hiện chỉ có 18. Mỹ có 274 máy bay vận tải hạng nặng, trong khi Trung Quốc chỉ có 27 chiếc…