Quân đội Mỹ khẩn trương tìm kiếm xác khinh khí cầu Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ ngày 5/2 cho biết quân đội nước này đang tìm kiếm xác khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ một ngày trước đó trên Đại Tây Dương.
Quân đội Mỹ khẩn trương tìm kiếm xác khinh khí cầu Trung Quốc ảnh 1

Một máy bay chiến đấu bay qua khinh khí cầu ở Nam Carolina hôm 4/2. Ảnh: Reuters

Lùm xùm khinh khí cầu – mà Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại là khí cầu dân sự vô tình đi lạc vào không phận Mỹ - đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ - Trung, khiến Washington phải hủy chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken.

Tướng Glen VanHerck - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ cho biết hải quân nước này đang nỗ lực tìm kiếm và thu hồi xác khinh khí cầu với sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ bờ biển.

Việc tìm thấy các mảnh vỡ sẽ giúp Mỹ hiểu rõ hơn về khả năng do thám của Trung Quốc, mặc dù Washington đã giảm nhẹ tác động của khinh khí cầu đối với an ninh quốc gia.

Một máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu trên Đại Tây Dương, ngoài khơi Nam Carolina hôm 4/2, một phản ứng mà Trung Quốc mô tả là “thái quá”.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng nhấn mạnh trong tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ sáng thứ Hai. “Chính phủ Trung Quốc đang theo sát diễn biến tình hình”, ông nói.

Sự cố khinh khí cầu xảy ra khi Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường liên lạc và bắt đầu hàn gắn mối quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.

Trung Quốc cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" và cho biết sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với "những tình huống tương tự" mà không giải thích chi tiết.

Tập đoàn dịch vụ tài chính ING cho biết trong một lưu ý hôm thứ Hai rằng vụ việc có thể làm trầm trọng thêm "cuộc chiến công nghệ" và sẽ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

"Cả hai bên có thể sẽ áp đặt thêm lệnh cấm xuất khẩu đối với công nghệ trong các ngành công nghiệp khác nhau. Đây là mối đe dọa mới đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mặc dù nguy cơ gián đoạn do COVID-19 hiện đã không còn", báo cáo cho biết.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG