Người khởi xướng cho quán cơm này là Nguyễn Thành Trung quê Quảng Ninh. Trung cùng với bạn bè thực hiện quán cơm 5000 đồng với mong ước chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn.
Từ ý tưởng được chia sẻ trên facebook
Vào cuối năm 2011, trong một lần lướt web, Thành Trung biết được thông tin về các quán cơm 2000 đồng tại TP HCM, tại Huế. Và trong đầu cậu hình thành ý tưởng một quán cơm như vậy tại Hà Nội. Nghĩ là làm, Trung chia sẻ ý tưởng của mình lên facebook, cùng lúc vào TP HCM để tìm hiểu về quán cơm 2000 đồng.
Sau một tuần, Trung nhận đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, động viên của bạn bè. Bốn thành viên nòng cốt của nhóm đều thuộc thế hệ 8x, ngoài Thành Trung còn có Dương Hường , Vĩnh Nguyên , Như Lê.
Một suất cơm 5000 đồng. |
Vạn sự khởi đầu nan. Với nhóm cơm 5000 đồng cũng vậy. Số tiền ban đầu góp được khoảng 15 triệu đồng, họ phải xoay sở trong việc bố trí nhân sự, kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thuê địa điểm.
Địa điểm đầu tiên nhóm thuê là phòng trọ 15m2 với giá 2 triệu đồng/tháng tại khu vực Ngã Tư Sở. Những ngày đầu, chỉ có bốn anh chị em thực hiện các công việc như đi chợ, in tờ rơi, phát phiếu, vận chuyển các suất cơm. Từ 4h sáng thứ 7, họ đã có mặt tại chợ đầu mối Ngã Tư Sở để chọn thực phẩm.
Những lần đầu tiên đưa cơm và đưa tờ rơi giới thiệu về quán, nhóm nhận được nhiều thắc mắc của người nhà bệnh nhân khi bán một suất cơm có giá trên thị trường từ 20-30 nghìn mà chỉ có 5000 đồng.
Dần dần đều đặn các thứ 7 hàng tuần, khoảng 10h, các thùng cơm và thức ăn được chở đến cổng viện Nhi sẵn sàng phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì số lượng suất cơm có hạn nên nhóm sẽ có một thành viên phụ trách phát phiếu tới các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ những người có phiếu sẽ mua được cơm tại quán.
Nhớ lại những ngày đầu, các thành viên của nhóm đều không quên những nụ cười ròn tan khi lần đầu hoàn thành việc bán 67 suất cơm, bán tại cổng bệnh viện Nhi T.Ư. Hay việc in tờ rơi “5000đ/suất”cơm thành “5k/suất” khiến nhiều người không hiểu “K” là gì. Hay một lần chỉ có Thành Trung và Như Lê nhưng làm 80 suất ăn, và đưa cơm tới cổng bệnh viện đúng 11h trưa.
Nhóm nhận được sự cổ vũ từ gia đình, bạn bè và cả những bác xe ôm, bà bán nước tại cổng bệnh viện. Người giúp kinh phí, dụng cụ, người kê bàn ghế, người đưa suất cơm, hoặc chạy đi mua đồ…
Sau hai tháng, quán bắt đầu có những khách quen. Quen mặt, quen món ăn và đặc biệt là quen những nụ cười giữa những trưa hè nắng gắt.
Tiếp nối những hoạt động thiện nguyện ngoài đời
Tới nay, nhóm cơm 5000 đã thực hiện 7 buổi bán cơm giá rẻ cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại cổng viện Nhi Trung ương.
Tại quán cơm 5000 đồng trước cổng bệnh viện Nhi T.Ư . |
Địa điểm hoạt động được chuyển tới căn phòng rộng rãi hơn tại phố Xã Đàn mới với giá thuê 7 triệu đồng/tháng. Từ nòng cốt bốn người, tới nay nhóm đã khoảng 60 tình nguyện viên. Phần lớn trong số họ là sinh viên. Các thành viên được quản lý thông qua phiếu đăng ký. Vào thứ 5 hàng tuần,trưởng nhóm sẽ chốt 15 thành viên thực hiện bữa cơm cho ngày thứ 7.
Khi được hỏi về kinh phí hoạt động, Trung chia sẻ kinh phí ban đầu để hoạt động đều do bốn thành viên nòng cốt đóng góp. Mỗi tuần, trung bình có khoảng 120 suất ăn 5000 đồng được bán ra, thu về 600.000 đồng. Số tiền này sẽ dồn vào cùng với khoản tiền đóng góp của các mọi người để tiếp tục phục vụ cho tuần sau.
Quán cơm 5000 đồng chỉ tiếp nhận việc đóng góp thông qua tài khoản ngân hàng, và không nhận tiền mặt. Hàng ngày tất cả ủng hộ đóng góp vật chất, thu chi đều được nhóm công khai trên công cụ google.doc. Trung cho biết: “Việc công khai mọi khoản chi tiêu của nhóm, không chỉ để mọi người biết mà để mọi người hiểu. Từ việc hiểu mới thực sự chia sẻ được hoạt động của nhóm”.
Thực đơn được nhóm đa dạng và tìm hiểu cho phù hợp với người bệnh hơn.. |
Nhóm dự định tăng số suất ăn lên con số 250 , đa dạng hóa thực đơn tìm hiểu loại bỏ các món không phù hợp với trẻ em và những người bị bệnh.
Với công việc đều đặn vào thứ 7 hàng tuần, nhưng các thành viên đều phải cố gắng thu xếp công việc của mình và thường xuyên trao đổi công việc vào những lúc tối muộn. Nói về những khó khăn, Trung chia sẻ “Nhóm chỉ sợ nhất phải lên báo! Vì sợ bị đánh đồng việc thực hiện quán cơm giá rẻ với việc PR”.
Vì vậy Thành Trung đã nhã nhặn từ chối khi tôi muốn chụp một bức ảnh chân dung. Thế nhưng khi hỏi về những dự định tương lai, Trung chợt sôi nổi hẳn, cậu chia sẻ về việc sẽ mở rộng việc bán cơm 5000 thêm ra các bệnh viện khác, hay dự án “Áo mới tới trường” cho các học sinh khó khăn tại quê nhà Quảng Ninh.