Quan chức Ukraine phản đối đề xuất hòa bình của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ukraine đã từ chối đề xuất của Indonesia về một giải pháp hòa bình với Nga, lập luận rằng kế hoạch của Jakarta sẽ chỉ phục vụ lợi ích của Mátxcơva.

Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine – ông Mikhail Podoliak viết trên Twitter hôm 3/6 rằng lộ trình hòa bình của Indonesia “thực sự giống như một bản song sinh với đề xuất của Nga… về sự đầu hàng của Ukraine”.

Ông nhắc lại quan điểm của Kiev rằng “chỉ có một đề xuất thực tế” là “Nga rút quân khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng nhấn mạnh rằng Nga nên trao trả các khu vực mới được sáp nhập mà Kiev không công nhận. “Không thể có kịch bản thay thế nào khác”, ông nói trong một bài đăng trên Facebook.

“Ngừng bắn mà không rút lực lượng Nga khỏi Ukraine sẽ cho Nga lợi thế về thời gian để tái tập hợp, củng cố các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, và tích lũy lực lượng cho một làn sóng tấn công mới”, ông Nikolenko viết.

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto gợi ý cả quân đội Nga và Ukraine rút quân lùi về phía sau 15 km tính từ vị trí hiện tại, tạo ra một khu phi quân sự được giám sát bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ông cũng đề xuất tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc bảo trợ để xác định tương lai các vùng lãnh thổ “tranh chấp”.

Josep Borrell, quan chức đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), thừa nhận rằng việc chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ giúp xung đột kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, ông không ủng hộ một động thái như vậy, vì nó có thể dẫn đến việc chủ quyền của Ukraine bị tổn hại.

“Chúng ta cần mang lại hòa bình cho Ukraine,” nhưng đó phải là “hòa bình chính đáng, không phải là hòa bình đầu hàng”, ông Borrell nói, bình luận về đề xuất của Indonesia.

Mátxcơva cho đến nay vẫn chưa bình luận về đề xuất này. Các quan chức Nga trước đây đã nhấn mạnh rằng, để đạt được một nền hòa bình lâu dài, Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO để trở lại trạng thái trung lập và công nhận các cuộc sáp nhập lãnh thổ gần đây của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng "không có cơ sở" cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa vào lúc này vì Kiev và phương Tây "không có bất kỳ ý chí chính trị nào trong việc tính đến các mục tiêu và mối quan tâm của đất nước chúng tôi."

Đầu năm nay, Trung Quốc đã trình bày đề xuất của mình về lộ trình hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng cũng bị Kiev ngay lập tức bác bỏ.

Các quan chức phương Tây lập luận rằng Ukraine nên đàm phán với Nga theo các điều kiện của riêng mình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm thứ Sáu rằng một lệnh ngừng bắn có lợi cho Moscow theo bất kỳ cách nào sẽ không tạo ra “một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, cũng như hai vùng lãnh thổ cũ khác của Ukraine là Kherson và Zaporozhye đã trở thành một phần của Nga sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022. Bán đảo Crimea cũng đã sáp nhập Nga vào năm 2014, ngay sau cuộc đảo chính ở Kiev. Tuy nhiên Ukraine không công nhận các cuộc sáp nhập này.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…