Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass |
Viết trên Telegram hôm 31/5, ông Medvedev nhấn mạnh các nước phương Tây nên hiểu rằng thiết bị quân sự và nhân lực của họ hoạt động ở Ukraine hoặc thực hiện các cuộc tấn công vào Nga từ các nước khác, “đều sẽ bị loại bỏ”.
Theo ông Medvedev, Nga coi tất cả các hệ thống tên lửa tầm xa mà Ukraine sử dụng đều là do lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trực tiếp điều khiển. “Đây không phải là một dạng ‘hỗ trợ quân sự’, mà là họ đang tham gia vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi”.
Ông Medvedev cho biết NATO muốn việc phương Tây tham gia cuộc xung đột được coi là sáng kiến độc lập của một số quốc gia, với hy vọng tránh phải viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh.
Theo ông Medvedev, những hành động như điều quân tới Ukraine hay hướng dẫn sử dụng vũ khí tầm xa là “sự leo thang nghiêm trọng của xung đột”.
Trong khi khối quân sự do Mỹ đứng đầu muốn tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại Ukraine hoặc NATO, thì “cuộc sống có thể khắc nghiệt hơn nhiều so với suy nghĩ của họ”, ông Medvedev cảnh báo.
Ông nói rằng phương Tây có thể đang tính toán sai về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai, giống như họ đã không lường trước được thời điểm bắt đầu chiến dịch của Nga ở Ukraine.
“Đây không phải là lời đe doạ. Cuộc xung đột quân sự hiện nay với phương Tây đang diễn biến theo kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Sức mạnh của các loại vũ khí NATO được triển khai đang không ngừng gia tăng. Đó là lý do vì sao ngày nay không ai có thể loại trừ khả năng cuộc xung đột chuyển sang giai đoạn cuối cùng”.
Nga từng nhiều lần nói rằng nước này không bao giờ cho phép xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và loại trừ việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào chống lại Ukraine.
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp thuận cho Kiev tiến hành các cuộc tấn công “có giới hạn” vào lãnh thổ Nga, điều mà theo New York Times, có thể mở ra “một chương mới trong cuộc xung đột Ukraine”.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng được cho là đã nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính sách này chỉ áp dụng cho các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động của Nga ở Vùng Kharkiv. Ukraine vẫn không được sử dụng tên lửa ATACMS hoặc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.
Theo tờ Wall Street Journal, Kiev sẽ chỉ được tấn công các mục tiêu ở Nga bằng hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS), hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và các hệ thống pháo binh khác.