Chây ỳ khó hiểu
Một trong những chủ đầu tư lớn trong vụ này là bà Mai Thị Tuyết Nga (phường Trá Bà, thành phố Pleiku). Bà Nga được Sở TN&MT Gia Lai, UBND thành phố Pleiku tiếp tay phân 302 thửa đất (mỗi thửa 125m2) trái phép (ở tổ 1, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku).
Những ngày này có mặt ở khu dân cư do bà Nga “tạo ra”, phóng viên Tiền Phong chứng kiến chỉ có 7 ngôi nhà. Tuy sát thành phố Pleiku nhưng cuộc sống người dân tại đây có nhiều thứ “không” (điện, nước, nơi thoát nước thải..). “Khoảng 3 năm trước, tôi mua của bà Nga lô đất 5x25m có 50m2 đất thổ cư với giá 200 triệu đồng.
Tuy sát thành phố Pleiku nhưng gia đình tôi phải tự đào giếng nước, tự câu điện, rồi làm hầm chứa chất thải. Nhưng may mắn hơn nhiều người khác rồi, bởi lvừa xây xong nhà thì chính quyền địa phương thông báo đình chỉ tất cả”, một người dân dân nói.
Ông Nguyễn Tấn Thành (phường Ia Kring, thành phố Pleiku) nhận chuyển nhượng hơn 9 nghìn m2 đất tại khu vực suối cuối đường Bùi Thị Xuân – Trần Quốc Toản (thành phố Pleiku) vào năm 2016. Từ tháng 5/2017 đến ngày 29/1/2018, ông Thành đổ đất san lấp, xây tường rào, bó vỉa, xây dựng kè đá mương thoát nước công trình, gần như toàn bộ lưu vực suối đã bị lấp và nâng cao gần 3m, rộng 30m, dài khoảng 800m.
Việc xây dựng có vẻ ngoài sự giám sát của chính quyền và cơ quan chức năng. Phóng viên Tiền Phong ghi nhận tại khu vực suối cuối đường Bùi Thị Xuân – Trần Quốc Toản vẫn nguyên hiện trạng sai phạm mà ông Thành gây ra, đất san lấp và nhiều công trình khác chưa được dỡ bỏ.
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Nguyễn Hữu Quế khẳng định sẽ xử lý quyết liệt hậu quả của việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn. Ông Quế nói đang chỉ đạo ngành chức năng báo cáo sơ kết việc thực hiện khắc phục sau 1 năm (kế hoạch khắc phục vụ việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn thành phố Pleiku được ông Quế ký vào tháng 9/2019 khi vừa nhận chức Chủ tịch UBND thành phố Pleiku) theo kết luận thanh tra (số 2405). Còn hướng khắc phục tiếp theo sẽ dựa trên kết quả báo cáo sơ kết. “Đây là vụ việc lớn cần nhiều thời gian để nghiên cứu xử lý, khắc phục chính xác theo quy định”, Ông Quế nói.
Đối với các trường hợp “chây ỳ” trong san lấp suối nhưng không trả lại hiện trạng, ông Quế cho biết sẽ cử lực lượng chức năng đến múc đất đi, lấy lại hiện trạng ban đầu, kinh phí sẽ do người gây ra sai phạm chi trả, trường hợp không trả sẽ có căn cứ pháp lý để xử lý phù hợp. Cũng theo ông Quế, trường hợp lớn nhất trong phân lô, bán nền trái phép ở thành phố Pleiku là bà Mai Thị Tuyết Nga.
Được biết, thành phố Pleiku đang cho bà Nga khắc phục bằng cách làm đầy đủ cơ sở hạ tầng (điện, cây xanh, hệ thống thoát nước, đường ống nước sinh hoạt…) ở khu vực 302 lô đất ở phường Thắng Lợi, tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng do bà Nga chi trả, khắc phục xong chính quyền thành phố Pleiku mới tiếp tục cho giao dịch, xây dựng nhà ở tại các lô đất.
Điều tra đến bao giờ ?
Vụ phân lô, bán 1.523 thửa đất trái phép ở thành phố Pleiku gây hậu quả nghiêm trọng vì phá vỡ quy hoạch chung của thành phố. Nhiều người dân không xây dựng được nhà ở (dù sổ đỏ có đất thổ cư).
Việc này, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ sai phạm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu sang Công an Tỉnh Gia Lai thời điểm cuối tháng 11/2019. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 4/6/2020, một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai xác nhận, vụ việc trên vẫn “đang điều tra”.
Trong khi đó, theo một cán bộ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, thời gian, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận tin Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định (Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết).
Trường hợp, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Nếu chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 2 tháng.
Chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Kết luận thanh tra số 2405/KL-UBND (26/10/2018) về việc “San lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku”, xác định: Có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích 33 ha. Nhiều cán bộ liên quan vụ này đã bị xử lý về mặt chính quyền, trong số đó có ông Phạm Duy Du (Giám đốc Sở TN&MT Gia Lai), ông Trần Xuân Hùng (Phó giám đốc Sở TN&MT Gia Lai) và ông Lê Xuân Khanh (Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai) đều bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Ông Trần Xuân Quang (Chủ tịch UBND thành phố Pleiku) bị khiển trách, ông Nguyễn Kim Đại (Phó chủ tịch UBND thành phố Pleiku) bị cảnh cáo.