"Mình đâu có quyền trấn áp"
Chiều 11/6, PV Tiền Phong đã trao đổi với ông Đặng Phan Chung xoay quanh thông tin vị này vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra vì có dấu hiệu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp, lạm quyền vào hoạt động xét xử đối với doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi.
Ông Chung xác nhận, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra việc giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai đối với bản thân ông trong vụ việc trên. Ông Chung giải thích thêm, thời điểm ông bị doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi kiện, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai đã vào cuộc giải quyết, sau đó đã bỏ phiếu kín; đa số thống nhất không kỷ luật. Giờ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra lại việc xử lý này.
Đối với dấu hiệu can thiệp (qua văn bản số 537) mà ông Đặng Phan Chung gửi Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, vị cán bộ này khẳng định rằng "không có chuyện can thiệp", bởi văn bản (số 537) chỉ yêu cầu Toà án nhân tỉnh Gia Lai báo cáo, thực hiện quyền “đại biểu của dân”.
Theo đó, bản thân ông cố gắng kiểm soát việc xét xử đúng, theo quy định của pháp luật. Ông Chung cho biết khi ra văn bản số 537 đều căn cứ theo pháp luật, nội dung văn bản cũng dừng ở việc cung cấp thông tin và báo cáo, chứ không đề cập việc phải xử thế nào.
Trước thông tin của dư luận cho rằng đã nhận 2,5 tỷ đồng để “can thiệp” vụ việc trên, ông Chung nói “mình không biết gì cái đó đâu”. Về thông tin sau khi gửi văn bản “can thiệp” số 537, ông đã gọi điện thoại đến trấn áp một số người liên quan trong vụ án trên, ông Chung thanh minh: “Không có, không có, mình có quyền gì đâu trấn áp”.
Can thiệp thô bạo?
Trong khi đó, ông Ngô Thanh Quảng (nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án trên) khẳng định rằng, việc ông Đặng Phan Chung gửi văn bản (số 537) là can thiệp rõ ràng; động cơ việc yêu cầu báo cáo đó không trong sáng. Điều này có nghĩa yêu cầu toà án báo cáo đường lối giải quyết vụ án trước khi xét xử là can thiệp thô bạo.
Cũng theo ông Quảng, đối với nội dung “Yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình” cũng trái pháp luật, vì Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai không có thẩm quyền yêu cầu thẩm phán phải giải trình việc xét xử ở Tòa án. Còn nếu căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân, thì Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai có thẩm quyền giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, tuy nhiên, việc giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai phải thực hiện theo chương trình giám sát hàng năm, hoạt động giám sát được thực hiện đối với các báo cáo công tác của Tòa án, hoặc giám sát theo chuyên đề. Mục đích của việc giám sát này là theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của Tòa án trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật (về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án…) chứ không phải là đối với một vụ án dân sự cụ thể.
Trước đó Tiền Phong đã đưa tin, năm 2015, doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi ký hợp đồng thế chấp 20 nghìn tấn sắn lát khô cho một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai để vay vốn kinh doanh. Tháng 3/2016, kho hàng bị cháy toàn bộ, thiệt hại trong kho ước tính hơn 105 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi nhiều lần yêu cầu phía ngân hàng phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không được nên đã khởi kiện vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản” khoảng 117 tỷ đồng (hàng hoá, nhà kho, tiền lãi) ra Toà án nhân dân thành phố Pleiku. Ngày 3/4/2018, Toà án nhân dân thành phố Pleiku xét xử sơ thẩm vụ án trên (buộc phía ngân hàng bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi hơn 115 tỷ đồng), không chấp nhận án sơ thẩm, phía ngân hàng đã kháng cáo.
Ngày 18/5/2018, ông Đặng Phan Chung ký văn bản số 537 gửi lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ, đề nghị “Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai và lãnh đạo Toà án nhân dân thành phố Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ án, yêu cầu ông Ngô Thanh Quảng (thẩm phán, chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm trong vụ án trên tại Toà án nhân dân thành phố Pleiku) viết bản giải trình”.
Từ đây, cục diện bản án thay đổi hoàn toàn. Tới ngày 29/8/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai công khai xét xử phúc thẩm vụ án trên, tuyên huỷ án sơ thẩm ngày 3/4/2018 của Toà án nhân dân thành phố Pleiku, chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.