Quân bài không cũ

Quân bài không cũ
TP - Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, ông Obama đã được coi là “quán quân” về sử dụng Internet và các kênh truyền thông hiện đại để thu hút sự quan tâm của cử tri.

> Ông Romney công kích nhầm ông Obama

Vào thời điểm đó, khi đánh giá về những điều giúp chính khách này trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giới phân tích đã không quên đề cập tới vai trò của truyền thông đại chúng kỹ thuật số. Vậy nên không có lý do để từ bỏ quân bài này trong nỗ lực tái cử năm nay.

Lập tài khoản trên Facebook hay Twitter đã trở thành điều tất yếu và là kênh đối thoại với cử tri hết sức hiệu quả. Ekip tranh cử của Tổng thống Barack Obama đã ghi điểm trước đối thủ Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, ông Obama đang thống trị trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

Trong khi mỗi ngày tài khoản của ông Obama trên Twitter nhận được 29 lời bình luận từ các cử tri thì trang mạng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney chỉ có 1 bình luận.

Tương tự như vậy, số bài viết của ông Obama trên trang blog của mình nhiều gấp đôi so với đối thủ.

Thậm chí, các video clip của đương kim Tổng thống trong quá trình vận động tranh cử trên YouTube cũng xuất hiện nhiều hơn so với cựu Thống đốc Romney.

Sự phát triển như vũ bão của truyền thông đã buộc các chiến lược gia Con Voi (biểu tượng của Cộng hòa) và Con Lừa (biểu tượng của Dân chủ) phải có những điều chỉnh thích hợp, “bắt tay” với Facebook, Twitter, YouTube, Instagram và Flickr.

Trong cuộc đua này, cả hai chính đảng giữ thế bám đuổi sít sao khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng là tới ngày bầu cử 3-11. Mục đích là để “dân dã hóa” các kỳ đại hội đảng toàn quốc. Điều này hứa hẹn về một kỳ đại hội cởi mở nhất từ trước tới nay.

Những nhân vật chính và vấn đề chính không còn giới hạn trong các khán phòng ken chặt những gương mặt đăm chiêu và lạnh lùng của các chính trị gia.

Lật ngược quá khứ, “quân bài” truyền thông đã thể hiện sức mạnh của mình tại xứ cờ hoa một cách khá thuyết phục với các vụ án động trời kiểu Watergate, dẫn tới sự ra đi của một chính thể, hay mới đây nhất là vụ tiết lộ rùm beng của WikiLeaks về các vấn đề sau hậu trường khiến chính giới Washington hứng chịu không ít bùa rìu dư luận.

Thực tế đời sống chính trị tại Mỹ hiện nay cho thấy rõ ràng, quân bài này chưa bao giờ cũ, vấn đề là người ta có biết cách tận dụng nó hay không mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG