Khảo sát nhanh cho thấy các cửa hàng đều tuân thủ giãn cách, có mã QR, chủ và nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19.
Bất chấp mưa gió, nhiều người ghé quán ăn từ sáng sớm. Chị Thu Minh, chủ quán phở trên đường Láng Hạ, cho biết, lượng hàng chuẩn bị cho ngày 14/11 nhiều gấp rưỡi thời điểm chỉ bán mang về.
Chưa đến 7 giờ sáng, quán đã kín chỗ vì chỉ được phục vụ 50% công suất. Chị Minh thông tin, cả chủ quán và 4 nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, quán trang bị vách ngăn và đảm bảo giãn cách khi khách tới.
Đi làm sớm hơn thường lệ để thưởng thức phở, chị Ngọc Lan (quận Cầu Giấy) cho biết, đã chờ ngày này rất lâu, dự tính bữa trưa ăn cơm niêu, uống cà phê. “Quán phở mỗi người ngồi một bàn, có tấm chắn, nhân viên đeo khẩu trang, bát đũa được tráng nước sôi nên khá yên tâm”, chị Lan nói.
Dù đã gần 13 giờ ngày 14/10 nhưng khách vẫn ra vào liên tục tại quán phở trên phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng). Quán phở trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) sau 1 giờ mở cửa đã bán được hàng trăm bát. Chủ quán nói rằng, tất cả 8 nhân viên đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Khánh, Trưởng Công an phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, cho biết, trước khi các quán ăn mở cửa đón khách, công an phường đi tuyên truyền, rà soát từng cửa hàng, cập nhật số lượng nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin… Tất cả nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19. “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra các cửa hàng để đảm bảo phòng dịch trên địa bàn phường”, ông Khánh nói.
Một số quán chưa dám mở lại
Sáng 14/10, phần lớn hàng quán đã chuyển từ bán mang về sang bán tại chỗ, nhưng vẫn có nơi chưa kịp mở hàng như thường lệ, một phần vì thiếu nhân viên.
Chị Thu Hường, chủ quán bún ngan ở phố Hai Bà Trưng, cho biết, trước dịch bán 20 con ngan/ngày, nhưng gần đây giảm đáng kể vì phí giao hàng cao, đến sáng 14/10 bán chưa hết 1 con vì mưa tầm tã.
“Để tiết giảm chi phí, thời gian qua quán không thuê nhân viên, tôi và người nhà cùng làm. Nay mở lại chưa kịp tìm nhân viên, cả nhà lau dọn quán, kê bàn ghế, dựng tấm chắn mất cả buổi”, chị Hường kể.
Ngoài các quán ăn, nhiều quán cà phê bắt đầu mở cửa trở lại. Phóng viên ghi nhận, hầu hết các quán cà phê đều yêu cầu khách khai báo y tế trước khi vào quán, ai không chấp hành sẽ bị từ chối phục vụ.
Anh Vũ Khắc Sơn, chủ quán cà phê trứng trên phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), cho biết, hôm qua, lượng khách chỉ bằng 20% so với trước.
“Lúc chưa có dịch, quán có 10 nhân viên nhưng khi Hà Nội chỉ cho mở bán mang về, quán chỉ dám thuê 1 nhân viên vì không có khách. Nay Hà Nội cho phép khách ngồi uống trực tiếp, quán thuê 4 nhân viên. Nhân viên của tôi đều là người Hà Nội và tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ tháng 7. Quán tuân thủ mọi điều kiện để mở trở lại nhưng khách vẫn thưa vắng”, anh Sơn nói.
TPHCM: Chủ quán mong sớm được mở lại
Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, anh Nguyễn Hoàng, chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon”, cho biết, 4 chi nhánh tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12 cùng quán hủ tiếu ở quận 10, TPHCM tạm ngừng hoạt động từ tháng 5. “Ngay cả khi chúng tôi được phép mở bán lại từ đầu tháng 10, tôi vẫn chưa thể kinh doanh bởi khó có thể thực hiện nhiều quy định như “3 tại chỗ”, bán mang đi. Trong khi nhà hàng chủ yếu kinh doanh buffet nên không thể “mang đi” như nhiều hàng quán khác. Trước đó, tôi có thể chăm lo cho nhân viên ở lại nhưng thời gian tạm ngưng quá lâu, nhân viên về quê và chỉ mới được tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19 nên chưa thể trở lại TPHCM để làm việc”, anh nói.
UYÊN PHƯƠNG