Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận, hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, trôi nổi kém chất lượng, hàng gian lận thương mại không hề khó kiếm ở bất cứ địa phương nào. Nói không ngoa: Bước ra cửa vào bất cứ cửa hàng nào cũng có thể tìm được những loại hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Chất lượng hàng cũng đa dạng đáp ứng đủ yêu cầu của người mua.
Người trong ngành cũng khẳng định, hàng giả sẽ không có đất sống nếu quản lý thị trường cùng các lực lượng khác hàng ngày quyết liệt ra tay. Không một đường dây nào có đủ sức đưa hàng vào thị trường một khi lực lượng quản lý thị trường làm nghiêm chức trách của mình. Cứ hàng không nguồn gốc, hàng giả là bắt. Bắt ngày, bắt đêm ráo riết sẽ khiến các vòi bạch tuộc buôn lậu phải chờn tay. Tuy nhiên, sự đơn độc, mất lợi ích sẽ là rào cản lớn cho mỗi cá nhân cán bộ quản lý thị trường.
Tại hội nghị của lực lượng quản lý thị trường, diễn ra cách đây hai ngày. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ băn khoăn về việc sau 4 tháng từ khi thành lập theo mô hình mới, vấn đề kiện toàn nhân sự tại Tổng cục Quản lý thị trường vẫn chưa xong. Nhiều ghế vẫn khuyết. Lời cảnh báo, việc hoàn thiện bộ máy sẽ là thách thức rất lớn với chính lực lượng này khi lợi ích luôn song hành với quyền lợi.
Thực tế, quản lý thị trường luôn được nhìn với ánh mắt dò xét khi hầu như không có những chuyên án lớn đánh hàng lậu được triển khai với kết quả cụ thể đúng nghĩa. Mối nghi ngờ, quản lý thị trường bắt tay bảo kê buôn lậu cho hàng giả lưu hành trên thị trường vẫn luôn âm ỉ. Những điểm nóng cung cấp hàng giả núp bóng các làng nghề đến nay không được xử lý triệt để. Hàng giả, hàng nhái vẫn ngày đêm vào thị trường. Khi bị truy vấn, lời biện minh: Quá thẩm quyền, lực lượng mỏng, thiếu sự phối hợp của các đơn vị khác… luôn là cứu cánh tốt.
Tổng cục Quản lý thị trường trở thành ngành dọc rồi nhưng vẫn "bình mới rượu cũ" nếu không đạt hiệu quả thì Bộ trưởng Công Thương là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Lời khẳng định như vậy không thể rõ hơn. Tuy nhiên, để làm tốt việc, tròn vai, lao vào cuộc chiến chống hàng giả hay tiếp tục mờ nhạt như trước đây sẽ là câu trả lời trực tiếp về hiệu quả đối với mô hình mới của lực lượng đang bị điều tiếng về việc có cần giữ tới gần 7.000 con người như hiện nay để chống hàng giả hay giao hết cho lực lượng công an thực thi.
Còn vẫn để tình trạng “béo mình, béo người” thì việc vẫn còn hàng giả, hàng nhái tràn lan ngoài cổng các khu chợ cũng là điều dễ hiểu. Câu hỏi khi đó, quản lý thị trường có còn cần thiết khi không quản được ai và ai đang quản quản lý thị trường sẽ có câu trả lời ngay tức khắc.