Ban lãnh đạo của Tencent, tượng đài Internet Trung Quốc, thường tổ chức các buổi họp off-site hằng năm tại một khu resort ở Nhật Bản hoặc một khách sạn ở Thung lũng Silicon. Mùa thu năm ngoái, hãng có một quyết định khác thường: tổ chức một chuyến bộ hành kéo dài hai ngày, qua những vùng đất khắc nghiệt của sa mạc Gobi.
Chuyến đi được tổ chức cho 14 lãnh đạo cao nhất của công ty có giá trị lớn nhất Trung Quốc. Có một nhóm đi cùng để giúp họ dựng lều, và nước được chở theo bằng xe tải. Dù vậy, đến cuối hành trình 26 km của ngày đầu tiên, một vài thành viên tỏ ý muốn bỏ cuộc để về nhà sớm. Martin Lau, chủ tịch của Tencent và Ma Huateng, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành, kiên quyết tiếp tục hành trình.
Ngày thứ hai, cả đoàn tiếp tục với quãng đường dài 26km, trong trạng thái mệt mỏi rã rời và đôi chân phồng rộp, để đến Đôn Hoàng, nơi từng là cửa ngõ của Con đường tơ lụa. Trong khi các lãnh đạo cấp cao đang có cuộc hành trình trên sa mạc, giá cổ phiếu của công ty tăng cao giúp Tencent trở thành công ty đắt giá nhất không chỉ ở Trung Quốc mà ở toàn châu Á – vượt mặt đối thủ số một của hãng là Alibaba. Cả đoàn đã có một buổi lễ ăn mừng tưng bừng tại khách sạn.
Dù vậy, các lãnh đạo cấp cao của Tencent lại nói rằng họ vui không phải vì giá cổ phiếu tăng mà đó là niềm vui sướng khi hoàn thành chuyến hành trình. Vài tháng sau, ngồi trong phòng làm việc tại toà nhà cao tầng của Tencent tại Hong Kong, Lau chia sẻ: "Chuyến đi đó thể hiện văn hoá của công ty. Chúng tôi chú trọng đến hướng đi và quá trình hơn là giá cổ phiếu".
Nơi công ty muốn đến là bên ngoài thị trường nội địa. Tencent, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống hằng ngày tại Trung Quốc. Hơn 2/3 dân số nước này sử dụng hai phần mềm nhắn tin của hãng, là WeChat và QQ, cho tất cả mọi việc, từ nhắn tin đến mua sắm, tán tỉnh, hẹn hò, xem video, chơi game, đến đặt đồ ăn và gọi xe taxi. Theo nhà đầu tư mạo hiểm Mary Meeker, người dùng Trung Quốc tiêu tốn tổng cộng 1,7 tỉ giờ mỗi ngày cho các ứng dụng của Tencent, nhiều hơn cả thời gian sử dụng tất cả các ứng dụng khác cộng lại.
Ma Huateng thành lập Tencent 19 năm trước, trong một văn phòng chật hẹp ở Thâm Quyến, cùng với bốn người bạn. Với sản phẩm đầu tiên, cả nhóm đã ‘nhái' một phần mềm nhắn tin của Israeli và sửa đổi để phù hợp với thị trường Trung Quốc. Không giống Jack Ma, vị tỉ phú đồng sáng lập Alibaba, Ma Huateng (có biệt danh được biết đến là Pony - ngựa non) có rất ít trải nghiệm với cuộc sống bên ngoài Trung Quốc, vốn tiếng Anh ít ỏi, và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Bạn bè mô tả ông là một doanh nhân tỉnh Quảng Đông điển hình, nhút nhát và dè dặt trước giới truyền thông. Trong một bức ảnh được lưu truyền rộng rãi, được chụp tại cuộc họp diễn ra năm 2015 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 28 nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng nhất trên thế giới, có Jeff Bezos, Tim Cook, và Jack Ma, mọi người đều mỉm cười và nhìn về phía máy ảnh. Chỉ trừ Pony Ma, ông nhìn xuống chân của mình.
Trong khi Ma là người đưa ra tầm nhìn chiến lược cho Tencent, thì Lau, 44 tuổi, lại là chiến lược gia và người quản lý hoạt động hằng ngày của công ty, và cũng là người trả lời câu hỏi trong các buổi họp báo cáo tài chính hằng quý với các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích. Dáng người mảnh khảnh, đeo kính cận, Lau là một người mộ đạo, mê game và luôn được kính trọng, ít nhất là từ những người đã từng nghe kể về ông.
"Tôi thực sự nghĩ rằng hầu hết mọi người ở Thung lũng Silicon không hề biết Martin Lau là ai", Sean Liu, một nhà quản lý đầu tư gốc Trung Quốc làm việc tại văn phòng San Francisco của công ty đầu tư mạo hiểm Vy Capital, nói. "Điều đó đúng là gây sốc, bởi vì nó cũng giống như người quan tâm đến Facebook nhưng lại không biết Sheryl Sandberg. Chỉ khác nhau ở chỗ Martin Lau thậm chí còn quyền lực hơn, có ảnh hưởng hơn ở Tencent và trong cộng đồng công nghệ Trung Quốc".
Thực tế, mặc dù Lau học đại học ở Mỹ, nói tiếng Anh trôi chảy, được coi là đại diện cho hình ảnh của Tencent trước công chúng, thì đến nay ông vẫn trốn tránh truyền thông phương Tây. Nhưng đã đến lúc thay đổi, bởi ông giờ gánh vác một trong những thách thức lớn nhất trong kinh doanh: mang một công ty thuần Trung Quốc đến với thế giới.
Top ứng dụng iOS phổ biến theo quốc gia (Ảnh: Bloomberg Businessweek)
Cuộc ‘gặp gỡ' lần đầu của Lau với Tencent là vào năm 2003, khi đó công ty đã thành lập được 5 năm và ông vẫn là một nhân viên ngân hàng tại Goldman Sachs. Vào thời điểm đó, Tencent có khoảng 1.000 nhân viên và được biết đến chủ yếu qua dịch vụ nhắn tin QQ – nền tảng đầu tiên cho phép giới trẻ Trung Quốc kết nối trực tuyến với những người có cùng sở thích, cùng hoàn cảnh – và qua hình ảnh linh vật là một chú chim cánh cụt quàng khăn đang nháy mắt.
Năm đó, doanh thu của Tencent là 108 triệu USD, nhờ vào bán quảng cáo và nâng cấp các dịch vụ (ví dụ tên người dùng độc đáo hơn) trên QQ, công ty cũng bắt đầu kinh doanh game vào thời điểm này. Tuy nhiên, sự vỡ vụn của bong bóng dot-com khiến các nhà đầu tư ban đầu cảm thấy nghi ngờ về triển vọng của công ty, họ đã bán phần lớn cổ phần cho tập đoàn truyền thông Nam Phi là Naspers.
Khi đó, Tencent đang chuẩn bị cổ phần hoá, là một trong những công ty internet đầu tiên của Trung Quốc ‘lên sàn' kể từ sau suy thoái. Bấy giờ, Lau làm việc ở bộ phận viễn thông và truyền thông của văn phòng tại Hong Kong của Goldman. Trong nỗ lực giành quyền IPO cho Tencent, Lau và các đồng nghiệp đã cố gắng để thể hiện mình là người sành công nghệ. Họ thậm chí còn lách qua hệ thống tường lửa của công ty bằng cách nhờ một đồng nghiệp ở Bắc Kinh đăng ký hộ tài khoản QQ. Sau đó, họ in tên tài khoản QQ của mình lên danh thiếp trước khi đến gặp Tencent.
Goldman giành được vụ IPO. Đội ngũ quản lý của Tencent ấn tượng về Lau đến mức trong buổi roadshow trước khi cổ phần hoá, họ mời ông về làm việc. Ma và những người đồng sáng lập có nền tảng rất vững về khoa học máy tính, nhưng lại có ít trải nghiệm quốc tế và họ biết mình cần phải xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Trên cương vị là một người làm việc cho ngân hàng đối tác, Lau nghĩ có sự xung đột về quyền lợi. Nhưng ông cũng thừa nhận mình không hoàn toàn bị thuyết phục bởi triển vọng của công việc đó. "Ở một mức độ nào đó, tôi đã cố tìm hiểu xem đó là thật hay không thật", ông nói.
"Ngựa non" Ma Huateng (Ảnh: AP Images)
Công ty chính thức cổ phần hoá vào tháng Sáu năm 2004, huy động được 180 triệu USD. Các game đầu tiên của hãng chứng minh được tiềm năng, đẩy doanh thu tăng 55% trong năm đó. Đến cuối năm 2004, "Pony" Ma và các đồng sáng lập, khi đó đã trở thành những triệu phú, lại một lần nữa mời Lau về làm việc.
Theo một nghĩa nào đó, Lau đã luôn đi theo con đường hướng về công việc này trong suốt cuộc đời mình. Bố mẹ ông, những kỹ sư điện, đều là những người Trung Quốc được sinh ra ở nước ngoài (bố ông sinh ở Ấn Độ, và mẹ ông được sinh ra ở Indonesia), gặp gỡ và kết hôn ở Bắc Kinh. Lau và chị gái được sinh ra vào những năm cuối cùng của cuộc Cách mạng Văn hoá. Cả gia đình rời Hong Kong khi ông tròn 6 tuổi, trong thời kỳ cải cách Đặng Tiểu Bình. "Nhiều biến cố xảy ra, và họ thấy cần phải tìm một công việc tốt hơn cho tương lai con cái của họ", Lau kể. "Đó là quãng thời gian đau đớn".
Lau, tên đầy đủ là Lau Chi Ping, sau đó dành quãng thời gian tuổi thơ còn lại ở Hong Kong, chơi game bằng chiếc Apple IIe của gia đình mình, và mơ về chế tạo tên lửa. Bố mẹ ông, Lau kể lại, "khiến chúng tôi tin rằng nếu bạn là một kỹ sư, bạn sẽ luôn có thể sống dù cho có rất nhiều bất ổn, bởi vì kỹ năng của bạn là thứ luôn luôn được cần đến". Điểm số của Lau thuộc top đầu trong lớp tại trường dự bị. Sau đó, khi đã rút ra kết luận rằng chỉ có người Mỹ mới có thể tham gia cuộc đua vào không gian, Lau quyết định học kỹ thuật điện tại trường Đại học Michigan, thành phố Ann Arbor.
Lau được giáo sư Arthur Yeung, sau này là người thầy của Lau và cố vấn của Tencent, đón tại sân bay Detroit Metropolitan. Yeung cũng đến từ Hong Kong, và ông thường giúp đỡ người đồng hương của mình. Ông giới thiệu Lau với một nhà thờ gần trường. Lau bắt đầu đến nhà thờ thường xuyên, ở đây ông gặp vợ tương lai của mình, Millie, một sinh viên ngành kinh doanh cũng đến từ Hong Kong.
Là người luôn đạt thành tích xuất sắc, Lau đã ‘giắt túi' được rất nhiều bằng cấp. Tốt nghiệp Đại học Michigan, sau đó nhận bằng thạc sỹ kỹ thuật tại Đại học Stanford, rồi bằng MBA từ Trường Quản lý Kellogg, Đại học Northwestern. Tốt nghiệp, Lau làm việc tại công ty tư vấn McKinsey & Company, sau đó là Goldman.
Lần đề nghị thứ hai của Tencent khiến ông lung lay, Lau cho biết, bởi vì ông sẽ có cơ hội để dùng đến kỹ năng kỹ thuật của mình. Ông nhận lời – đồng nghĩa với việc chấp nhận một khoản lương thấp hơn trước đáng kể, Lau nói. Ban đầu Ma để Lau làm việc ở vị trí giám đốc chiến lược và giao ông phụ trách mảng quan hệ đối tác, sáp nhập và mua lại, hai mảng việc vốn khá mới mẻ tại Trung Quốc tại thời điểm đó.
Lau mang đến Tencent một số nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Mỹ, ví dụ đặt mục tiêu doanh thu, xây dựng một kế hoạch 5 năm để phát triển các mảng kinh doanh mới như mạng xã hội và truyền thông số. "Đó là một nguyên tắc cực kỳ cần thiết đối với một công ty non trẻ đang phát triển nhanh chóng mặt tại thời điểm năm 2004", Hans Tung, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital, đồng cổ đông với Tencent tại Didi, một công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyến đi của Trung Quốc, nhận xét.
Năm 2006, Ma thăng chức cho Lau lên vị trí chủ tịch và giao trách nhiệm quản lý hoạt động hằng ngày của công ty. Mặc dù doanh thu của Tencent tăng gấp đôi vào năm đó, 5 thành viên sáng lập lại nhận thấy rằng công ty đang rất cần được quản lý một cách chuyên nghiệp hơn. Trong một cuộc trao đổi nội bộ, mọi người đề xuất những người có thể kế nhiệm. Ma chọn Lau.
"Martin là một nhà phân tích kinh doanh đại tài. Ông ấy biết đâu là cuộc chiến cần tham gia"
Năm năm tiếp theo Tencent phát triển nhanh chóng, ‘lùng sục' khắp châu Á để tìm những tựa game và thay đổi chúng để đưa lên QQ. Công ty sở hữu bốn trên năm tựa game phổ biến khắp các quán café internet ở Trung Quốc vào năm 2011, đồng thời điều hành hoạt động kinh doanh phát đạt bán áo giáp ảo, bình máu ảo và nhiều phụ kiện số khác cho game thủ. Công ty còn có một mạng xã hội phổ biến, đó là Qzone. "Ý tưởng kết hợp mạng xã hội và game là điều mà Tencent thực sự đã đi tiên phong", nhà đầu tư mạo hiểm người Nga Yuri Milner cho biết.
Tencent còn ‘nổi tiếng' là ông vua đạo nhái, là nỗi lo sợ và ghê tởm của nhiều doanh nhân Trung Quốc, những người tin rằng nếu họ tạo ra một thứ gì đó ‘hay ho', Tencent sẽ sao chép nó. Các nhà xuất bản phương Tây như Business Insider coi thường mô hình sáng tạo và kinh doanh đó của Tencent. Tạp chí Computerworld Trung Quốc đưa hình ảnh một chú chim cánh cụt Tencent đầy máu trên trang bìa, bên trên một dòng chữ tục tĩu. Công ty cũng dính vào một vụ lùm xùm pháp luật với công ty an ninh mạng của Trung Quốc Qihoo 360, bên này cáo buộc bên kia có những hành vi phản cạnh tranh. (Tencent giành chiến thắng trong vụ kiện này.)
Năm 2011, Lau và Ma quyết định đã đến lúc để tự nhìn lại mình. Tencent mời 72 chuyên gia trong ngành đến một chuỗi gồm 10 cuộc họp kín – nhân viên của Tencent gọi những cuộc họp này là "hội nghị của các vị thần". Các vị khách được yêu cầu thẳng thắn phê bình và chỉ trích những vị lãnh đạo – và họ không ngần ngại để làm việc này. "Phía Tencent không thể hình dung được những phản hồi sẽ thẳng thắn và phũ phàng đến mức nào", Hu Yanping, nhà sáng lập công ty tư vấn internet DCCI & FutureLab có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong những người tham dự những buổi họp trên, cho biết. "Đó là lần đầu tiên những lãnh đạo cấp cao của Tencent phải đối diện với một ‘cuộc tổng tấn công' như vậy".
Những phản hồi giúp các lãnh đạo của Tencent hiểu rằng vấn đề của họ còn nghiêm trọng hơn cả việc PR tồi tệ. "Chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng, OK, có gì đó không đúng", Lau nói. Cụ thể, công ty cần có gì đó để giúp họ rũ bỏ được tiếng xấu là một ‘hung thần sao chép'.
Rất may cho Tencent, câu trả lời đã sẵn sàng, chỉ chờ để được tìm ra. Một buổi tối rất muộn cuối năm 2010, một lập trình viên có tên Allen Zhang, người sáng lập một startup về email tại Quảng Châu được Tencent mua lại, gửi một tin nhắn cho Ma hỏi rằng liệu ông có thể phát triển một mạng xã hội ‘đo ni đóng giày' cho smartphone không. Ma, người thường không đi ngủ trước 4 giờ sáng, đồng ý. Sau đó, Zhang cùng với 10 đồng nghiệp đã đến và làm việc trong một văn phòng có rất nhiều bảng đen, để rồi phát triển ra Weixin (WeChat).
Dịch vụ này được ra mắt vào tháng Một năm 2011, trở nên phổ biến khi những chương trình giảm giá smartphone ‘nở rộ' tại Trung Quốc, đạt mốc 100 triệu người dùng trong năm 2012 và gấp ba con số này một năm sau đó. Rút kinh nghiệm từ việc kiểm soát quá mức đối với QQ, Tencent cho phép các công ty được lập "tài khoản chính thức" để đưa ra các thông điệp và tương tác với người dùng, ngược lại việc đó tạo một cú hích phát triển cho WeChat.
Cùng lúc đó, công ty tìm cách để cắt giảm các mảng kinh doanh thua lỗ và phát huy được thế mạnh của mình. Năm 2013, Tencent chấp nhận từ bỏ kỳ vọng ở mảng việc kinh doanh tìm kiếm, chuyển giao mảng này cho một đối thủ là công ty Sogou, và đầu tư 448 triệu USD cho công ty này. Năm sau, hãng bán mảng thương mại điện tử gần như không thành công cho công ty JD.com, và bỏ ra 214 triệu USD để sở hữu 15% cổ phần.
Trước khi các thương vụ này được thực hiện, Tencent "nhúng tay vào mọi thứ", Zhang Lei, người sáng lập, CEO của Tập đoàn tài chính Hillhouse và là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của JD.com và Tencent, nhận xét. Sau các thương vụ, "hãng chỉ tập trung vào những gì mình làm tốt nhất, giao phó những lĩnh vực còn lại cho các đối tác". Zhang cho rằng công lao lớn là của Lau. "Martin là một nhà phân tích kinh doanh đại tài", Zhang nói. "Ông ấy biết đâu là cuộc chiến cần tham gia".
"Nếu bạn không lấy tiền của họ, rồi họ lại đầu tư cho đối thủ của bạn, đó có thể là sai lầm chết người"
WeChat hiện giờ có 937,8 triệu người dùng đang hoạt động, hơn một phần ba trong số đó sử dụng dịch vụ hơn bốn tiếng một ngày. Để cho dễ hình dung hơn, hãy so sánh với một người dùng trung bình trên thế giới mất khoảng một giờ mỗi ngày cho cả Facebook, Instagram, Snapchat, và Twitter cộng lại. Các dịch vụ của Tencent len lỏi khắp nơi ở Trung Quốc, đến mức các startup ở đây thấy thật khó để từ chối bắt tay hoặc từ chối những đồng đô la đầu tư từ công ty này. "Nó hơi giống những gì mà Bố già Don Corleone đã nói, ‘Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn chẳng thể chối từ'", nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty tư vấn Red Pagoda Resources LLC có trụ sở tại Bắc Kinh – Andy Mok nói. "Nếu bạn không lấy tiền của họ, rồi họ lại đầu tư cho đối thủ của bạn, đó có thể là sai lầm chết người" .
Khi WeChat trở nên ngày càng phổ biến, Tencent đã cố gắng để hành động giống, hay ít nhất là ‘trông' giống, một công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Cuối năm nay, hãng sẽ mở cửa trụ sở chính mới – hai toà nhà kính trọc trời được thiết kế bởi công ty kiến trúc có trụ sở tại Seattle là NBBJ Design LLP – giống như Apple, Amazon.com và Facebook đã làm. Hai toà tháp này được nối thông với nhau bằng ba chiếc cầu kính trên cao, trông giống những chú robot khổng lồ đang khiêu vũ. Phòng làm việc của Ma và Lau sẽ ở gần nhau.
Những ngày này, Ma tập trung vào sản phẩm và phát triển công nghệ, điều hành những cuộc họp ban quản trị ‘đằng đẵng' – kéo dài 10 tiếng hoặc hơn – được tổ chức hai tuần một lần. Ông cũng là người nắm các mối quan hệ với chính phủ, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn làm việc với lãnh đạo cao nhất. Nguồn gốc Hong Kong của Lau gây bất lợi cho ông ở điểm này. Khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Tencent ở Thâm Quyến vào năm 2010, quy định an ninh của chính phủ chỉ cho phép những lãnh đạo được cho là thuộc bộ máy Đảng Cộng sản mới được đi chung thang máy với ông.
Lau đã có những bước tiến dài trong việc tìm kiếm những thương vụ sáp nhập và mua lại, nhằm nâng cao hình ảnh công ty trên trường quốc tế. Tencent đang ở rất gần với mức bão hoà tại thị trường Trung Quốc, hãng cần phải tìm kiếm thị trường từ bên ngoài nếu muốn duy trì mức tăng trưởng nóng như hiện nay. Lau cho biết trong năm 2013 ông muốn thực hiện một vụ đầu tư "chiến lược" vào Snapchat, nhưng cần thương thảo để đạt được mức đầu tư thấp hơn. Ông từ chối tiết lộ con số mình định ra trong đầu. "Đã có lúc Evan cảm thấy không chắc chắn, liệu đó có phải là một việc tốt hay không", ông nhắc đến Evan Spiegel, CEO của Snapchat. "Nhưng đến phút cuối, cậu ấy lại quyết định mình không muốn có một nhà đầu tư chiến lược".
Đầu năm 2014, Tencent có hứng thú muốn mua lại dịch vụ nhắn tin WhatsApp. Thương vụ mua lại đó đã có thể khiến cả thế giới bị choáng và ngay lập tức đưa Tencent ra tầm thế giới. Nhưng khi đã gần đạt được thoả thuận, Ma, người rất hào hứng với vụ mua lại này, phải mổ lưng, khiến cho chuyến viếng thăm Thung lũng Silicon để đàm phán với người sáng lập WhatsApp là Jan Koum bị hoãn lại. Mark Zuckerberg ‘nhảy' vào, mua WhatsApp với số tiền 19 tỉ USD, nhiều gấp đôi con số Tencent định chi ra.
Năm ngoái, Lau cuối cùng cũng có được một thương vụ gây chú ý. Tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank rao bán Supercell Oy, công ty phát triển trò chơi trên điện thoại di động của Phần Lan. "Khi SoftBank nói với chúng tôi là họ đang muốn bán, chúng tôi đã hít thở thật sâu rồi nói sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc đó", Lau cho biết. Tencent bắt đầu các bước thương lượng để mua nhà sản xuất của Clash Royale, một trò chơi quá đỗi thành công trên toàn thế giới. Lau đã bay 10 tiếng đến Helsinky ngay cả khi đang bị cảm cúm để gặp những lãnh đạo cao nhất của công ty này. Để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ, ông đã làm một việc mà bất kỳ vị lãnh đạo cấp cao nào đều làm trong tình huống này: chơi Clash Royale. Chơi rất nhiều. Nhiều đến mức ông đạt thứ hạng 97 trong bảng xếp hạng người chơi trên toàn thế giới. "Đó là một cách để tôi có thể đánh giá mục tiêu của mình", ông chia sẻ và không hề hàm ý mỉa mai. "Tôi giờ vẫn chơi Clash Royale. Nhưng ở thời điểm đó, tôi chơi với sự tập trung cao độ". Khi Ilkka Paananen, CEO của Supercell, nghe về số điểm Lau đạt được, ông tỏ rõ hoài nghi và ‘thách' Lau đấu với một nhân viên xuất sắc của Supercell. Lau thắng. Ngay sau đó, Tencent trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát của Supercell.
Tencent cũng đang cố để tiến ra thế giới một cách tự nhiên, bằng cách đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia khác nhau. Thế nhưng, những ưu thế giúp công ty bành trướng tại quê nhà lại chính là thứ cản trở bước đi của Tencent tại những nơi khác. Ví dụ, về thiết kế: người dùng Trung Quốc đã quen và dần trở nên yêu thích những ‘siêu ứng dụng' được trang bị những tính năng phức tạp. Ở Mỹ, nơi có những ứng dụng gọn nhẹ, riêng biệt để đặt vé xem phim, đặt bữa, xem tin tức…, việc bán ứng dụng sẽ khó khăn hơn.
Lau (Ảnh: Bloomberg Business).
Một sản phẩm thành công tại quê nhà khác mà Tencent mới bắt đầu thử sức đưa ra thế giới là WeChat Pay, dịch vụ có 600 triệu người dùng tại Trung Quốc – thậm chí còn được chấp nhận bởi Qihoo, kẻ thù trên chiến trường luật pháp một thời của hãng. Dịch vụ này tận dụng lệ phí xử lý thấp của các ngân hàng Trung Quốc, cho phép người dùng gửi cho nhau những món quà có giá trị bằng tiền rất nhỏ được đặt tên "Red Packets" (Những gói quà màu đỏ). Ở phương Tây, lệ phí ngân hàng cao hơn một chút, khiến những giao dịch có giá trị nhỏ như vậy là không khả thi.
Có một vấn đề liên quan đến Facebook và WhatsApp, cả hai đang nắm giữ lợi thế thị trường rất lớn ở gần như hầu khắp các nơi ngoài-Trung-Quốc. Ra nước ngoài, Lau chia sẻ, "về cơ bản là thử thách đối với mỗi doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi cố gắng để đưa WeChat ra thị trường quốc tế. Nhưng thực tế là trên thị trường đã có những sản phẩm khác rồi".
Có lẽ kỳ vọng lớn nhất của Tencent khi mở rộng ra thế giới nằm ở việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc chuyển đến sống hoặc du lịch ở nước ngoài, mang theo WeChat bên mình. Nhưng vẫn có thử thách. Các nhà nghiên cứu về quyền công dân của Đại học Toronto gần đây báo cáo rằng Tencent quét các nội dung của người dùng để lấy keyword, đồng thời xoá những nội dung và hình ảnh liên quan đến những chủ đề chính trị, văn hoá gây tranh cãi – những việc mà tất cả các công ty Internet ở Trung Quốc phải làm. Tencent cũng kiểm duyệt những tài khoản người dùng WeChat đăng ký tại Trung Quốc nhưng lại đi ra nước ngoài, ngay cả khi người dùng đổi số điện thoại. Công ty không bình luận gì về bản báo cáo này, tuy nhiên nếu những phát hiện trên là đúng, Tencent sẽ rơi vào tình thế khó khăn. "Để đạt được thành công rộng rãi hơn, ứng dụng vẫn phải duy trì nền tảng của mình ở Trung Quốc, vừa phải chịu sự kiểm soát của chính phủ nước này, vừa phải thể hiện rằng mình có những trải nghiệm hấp dẫn để thu hút người dùng quốc tế", Masashi Crete-Nishihata, phụ trách nghiên cứu tại Citizen Lab, Đại học Toronto, nhận định.
Lau cho biết, Tencent "có tôn chỉ rằng bạn hoạt động ở đất nước nào, bạn phải tuân thủ luật pháp của nước đó".
Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của Lau sẽ trở nên khó khăn hơn. Lau và Ma cũng đặt cược vào các công nghệ khác nhau, đưa Tencent phát triển theo hướng khác xa so với những mảng kinh doanh ban đầu của công ty. Mùa xuân năm nay, công ty tuyên bố kế hoạch mở phòng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Thâm Quyến và Seatle; Lau cũng chia sẻ công ty đang sản xuất một bộ loa thông minh, và có thể sẽ được ra mắt trong một vài tháng tới. Và, Tencent vừa mới mua 5 phần trăm cổ phần của Tesla – kết quả của rất nhiều những buổi họp với Elon Musk ở California và sự hào hứng để khám phá tương lai của ngành vận chuyển, Lau cho biết.
Như thường lệ, Tencent vẫn đang có thêm những kẻ thù mới – trong đó có những kẻ thù vô cùng lớn và giàu có. Đầu năm nay, công ty giới thiệu các "chương trình mini", cho phép người dùng smartphone truy cập các dịch vụ của các công ty khác trên WeChat mà không phải tải thêm ứng dụng. Giới quan sát nhận định việc này cho thấy Tencent định vị WeChat là một hệ điều hành cho điện thoại và đó là một đòn công kích tới Android của Google và app store của Apple. Vài tháng sau, Apple buộc Tencent phải vô hiệu hoá một tính năng cho phép người dùng WeChat trên iPhone tặng tiền thưởng cho các blogger, bởi vì nó vượt qua hệ thống thanh toán ứng dụng của chính Apple. Liệu đây có phải là cuộc chiến được báo trước giữa hai gã khổng lồ? Lau không đồng tình với quan điểm đó. "Người ngoài có vẻ thích đọc câu chuyện về cuộc chiến của một gã khổng lồ này với một gã khổng lồ khác", ông nói.
Nhưng ngay cả khi theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, đất nước của một đảng cầm quyền, Tencent cũng cần phải cẩn trọng với vị thế của kẻ thống trị. Công ty đã ‘khơi mào' một cuộc tranh cãi vào tháng Năm khi thêm công cụ tìm kiếm của mình vào WeChat và một news-feed theo kiểu của Facebook. Người ngoài lo ngại rằng điều đó khiến công ty nắm quá nhiều quyền kiểm soát đối với những tin tức và bài đăng được hiển thị cho người dùng. Các ảnh chế ‘anti-Tencent' nhanh chóng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc. Một bức ảnh được lan truyền rộng rãi là ảnh chụp giao diện mới của WeChat, cùng với dòng chú thích màu đỏ là tên của tất cả các công ty mà Tencent đe doạ với mỗi tính năng được trang bị cho ứng dụng.
Lau phủ nhận các chỉ trích cho rằng Tencent giống một kẻ săn mồi hung hãn. Thêm công cụ tìm kiếm và news feed, ông nói, là cách để công ty có thể sử dụng dữ liệu và AI để truyền tải cho người dùng những nguyên liệu phù hợp hơn với từng cá nhân.
Sau đó ông mỉm cười và tiến đến chiếc điện thoại của mình. Hoá ra Lau cũng nhìn thấy bức ảnh chế đó. Với một vẻ mặt thích thú, ông kéo nhanh bảng tin WeChat trên máy, ẩn bức ảnh đi.