Từ sáng 2/1, du khách tham quan Văn Miếu, nhất là du khách nước ngoài, bất ngờ khi bước vào sân Nhà Thái học. Khung cửi, nong kén tằm bày biện bên những thành phẩm của nghề dệt lụa thủ công trông vui mắt, ngộ nghĩnh. Rồi các nghệ nhân ngồi thư thả đan lát bên những nón, quạt, chiếu được nhiều người thích thú hỏi mua. Những chậu hoa chuối đỏ tươi mộc mạc làm nền cho khung cảnh êm đềm này, sao mà hợp.
Cứ như vậy, nhà tổ chức chương trình Quà tặng của nhân gian giới thiệu đến đông đảo mọi người về sự hiện diện của loạt nghề và sản phẩm nghề thủ công với những gương mặt nghệ nhân khắc khổ âm thầm và bền bỉ giữ gìn vốn cổ cũng là nghề mưu sinh của họ.
Nào là làng cói Kim Sơn (Ninh Bình), làng đũi Nam Cao (Thái Bình), thổ cẩm Zèng (A Lưới, Huế), thổ cẩm Đăk Lắk, thổ cẩm ở Sa Thầy (Kon Tum), nghề đan lát với cây cà phê xứ lạnh làng Kon Chênh (Măng Đen), tơ lụa Bảo Lộc thủ phủ của tơ lụa Việt Nam…
NTK Minh Hạnh (kính xanh) và các nghệ nhân. Món quà tặng là quạt cói Kim Sơn Ninh Bình và túi thổ cẩm khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Hoàng Tú. |
Các nghệ nhân có mặt ở Văn Miếu dịp này chính là tinh hoa của các địa phương kể trên, với những sáng tạo độc đáo. Nhiều người lần đầu đến Thủ đô, lại còn được trình diện ở không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đang được định hướng trở thành không gian sáng tạo của Hà Nội, khiến họ không khỏi tự hào.
Cao trào của cuộc trưng bày lần này là đêm thời trang ca nhạc 4/1 giới thiệu 10 bộ sưu tập áo dài và trang phục thổ cẩm của các nhà thiết kế: Silky Vietnam, Viết Bảo, Minh Hạnh trên nền tơ lụa truyền thống và thổ cẩm các vùng miền kể trên.
Minh Hạnh nhiều năm nay đã chủ đích chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm bến đỗ cho các sự kiện thời trang của mình và đồng nghiệp, sau khi cũng từng chọn những địa điểm không ai nghĩ ra để biến thành các sàn diễn thời trang độc đáo: Núi Nùng (công viên Bách Thảo), Hoàng thành Thăng Long, Vườn hoa Con cóc…
Đêm thời trang ca nhạc 4/1 giới thiệu 10 bộ sưu tập áo dài và trang phục thổ cẩm của các nhà thiết kế Silky Vietnam, Viết Bảo, Minh Hạnh. |
Tối 4/1, ngoài bộ sưu tập vẫn bắt mắt và chất lượng như thường lệ, Minh Hạnh cùng các đồng sự còn khiến khán giả cảm kích vì đã lăng xê một cách đầy nhiệt huyết vẻ đẹp văn hóa của những sản phẩm nghề truyền thống, lăng xê những nghệ nhân tài năng mộc mạc từ nơi xa xôi hẻo lánh hội tụ về. Cả những giai điệu đẹp của đại ngàn vốn không phải ai cũng thường nghe…
Họ là nghệ nhân Huỳnh Tấn Phước người tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa tơ lụa ba miền Bắc Trung Nam để kỳ vọng đưa chất lượng tơ lụa Việt Nam ngang tầm thế giới. Hay thổ cẩm Zèng của A Lưới với đại biểu là nghệ nhân Hồ Thị Hợp giúp hiểu vì sao Zèng A Lưới vốn tạo nên từ những hạt cườm tỉ mỉ lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẻ ở làng Đăk Răng, Kon Tum chế tác và sử dụng thành thạo 12 loại nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng, người mang âm thanh núi rừng vào âm nhạc Tây Nguyên - là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên...
Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các người mẫu nhí và nghệ sĩ, nghệ nhân. |
Không gian u tịch của Nhà Thái học nói riêng và Văn Miếu Quốc Tử Giám nói chung, trở nên sinh động và khác hẳn ngày thường trong những ngày này và đặc biệt tối 4/1, giống như những lần khác khi diễn ra các sự kiện mà Minh Hạnh là chủ công.
Từng tiết mục trình diễn tối 4/1 đều được giới thiệu tỉ mỉ về xuất xứ của chất liệu, cách thức chế tác sáng tạo, và văn hóa lâu đời của vùng đất sản sinh ra nó. Bên cạnh những người mẫu quen mặt là hàng chục, nhiều chục nghệ nhân, cũng được trân trọng giới thiệu rành rẽ khiến buổi trình diễn thời trang mang một vẻ gần gũi thân thuộc đặc biệt. Minh Hạnh và ê-kíp từng nhiều lần đưa các nghệ nhân làng nghề xa xôi cùng với lỉnh kỉnh khung cửi, nong tằm… của họ đến tận các nước có bề dày văn hóa và thời trang nức tiếng.
Ca sĩ Y Nhíp - người con của đại ngàn - hát trong chương trình. |
Tối 4/1, Minh Hạnh nói với báo chí, mấy năm nay chị cảm thấy chỉ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phù hợp với những sự kiện mà mình ấp ủ, với sự ủng hộ vô điều kiện của Giám đốc Lê Xuân Kiêu.
“Quà tặng của nhân gian” là chương trình ý nghĩa, một nét văn hóa đặc sắc trong những ngày đầu năm, hy vọng còn nhiều sự kiện như vậy được tiếp nối ở đây.