Chia sẻ với Tiền Phong ngày 4/1, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay 3 hiện vật của bảo tàng được công nhận Bảo vật quốc gia gồm phù điêu Shiva múa Phong Lệ, phù điêu Uma Chánh Lộ và tượng Rồng Tháp Mẫm.
Đây đều là các tác phẩm độc bản, có tính tiêu biểu về chủ đề và phong cách nghệ thuật, phản ánh các giai đoạn phát triển của nền nghệ thuật tôn giáo Champa.
Tượng Rồng Tháp Mẫm cao 158 cm, dài 158 cm, rộng 61 cm, chất liệu sa thạch. Ảnh: Thanh Hiền. |
Phù điêu Shiva múa Phong Lệ do một công chức người Pháp Camille Paris phát hiện tại Phong Lệ khoảng năm 1890 cùng với một số hiện vật khác và đưa về công viên Tourane - hiện là nơi tọa lạc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tác phẩm thể hiện thần Shiva trong tư thế múa hay còn gọi là Nataraja (vua khiêu vũ). Đây là hình thức biểu trưng cho quyền năng tuyệt đối và là biểu hiện hoàn hảo nhất về thần Shiva.
Với giá trị văn hóa - nghệ thuật độc đáo, tác phẩm đã được giới thiệu tại nhiều cuộc trưng bày quốc tế như triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet, (Paris, Pháp) năm 2005, tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston (Texas, Mỹ) năm 2009.
“Khu di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là nơi phát lộ hiện vật này. Qua các các đợt khảo cổ từ 2011-2018 cho thấy đây là khu di tích Chăm có quy mô lớn, với nhiều chứng tích về sự quy tụ và phát triển của văn hóa Champa tại địa phương. Hiện di tích này đã được UBND TP Đà Nẵng xếp hạng di tích khảo cổ duy nhất đến nay trên địa bàn thành phố và có đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích”, đại diện bảo tàng thông tin.
Phù điêu Shiva múa Phong Lệ. |
Phù điêu Uma Chánh Lộ được tìm thấy ở di tích Chánh Lộ, Quảng Ngãi vào năm 1904 và sau đó được đưa về bảo tàng năm 1938. Phù điêu còn nguyên vẹn, thể hiện chủ đề nữ thần Uma trong tư thế múa và là hiện vật có kích thước lớn nhất đã được phát hiện tại Quảng Ngãi nói riêng và các di tích Champa nói chung đặc tả hình tượng nữ thần này.
Theo thần thoại Ấn Độ, nữ thần Uma là vợ của thần Shiva (Shiva, Brahma, Vishnu là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo) được biết đến với quyền năng bảo vệ và loại trừ tất cả thế lực ma quỷ có nguy cơ đe dọa thế gian.
Nữ thần Uma có nhiều hóa thân, với các tên gọi khác nhau như Parvati, Devi, Sati, Kali, Durga... Tác phẩm cho thấy những nét đặc trưng tiêu biểu trong một phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa - phong cách Chánh Lộ (khoảng thế kỷ XI-XII) với sự phá cách mạnh mẽ về khuôn khổ, đường nét, dáng điệu cùng các họa tiết hoa văn trên y phục, đồ trang sức, mũ đội giàu tính sáng tạo đã góp phần làm cho các tác phẩm trở nên sống động, có tính biểu cảm riêng biệt.
Trong khi đó, tượng rồng Tháp Mẫm được phát lộ tại di tích gò đồi Tháp Mẫm - Bình Định năm 1934 và đưa về Bảo tàng năm 1935.
Tác phẩm thể hiện nét đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm ở những tượng tròn linh thú với kích thước lớn, được phóng đại, cách điệu hay kết hợp với các hình tượng linh vật khác, tạo ấn tượng thần thoại nhiều hơn là hiện thực.
Nghệ thuật điêu khắc giai đoạn này mang ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc đá Khmer - phong cách Bayon (Campuchia) hay nghệ thuật Đại Việt thời Lý. Tượng Rồng Tháp Mẫm hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất, chạm khắc cầu kỳ, chi tiết và còn nguyên vẹn nhất trong số tác phẩm chủ đề về rồng trong điêu khắc Champa.
Phù điêu Uma Chánh Lộ cao 165 cm, rộng 162 cm, dày 37 cm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. |
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, với 3 bảo vật quốc gia vừa được công nhận này, hiện bảo tàng đã có 12 bảo vật quốc gia. Mỗi tháng bảo tàng đón hơn 10.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế.