Đời sống có nhiều thứ quá tải, nhất là với những tầng lớp nhạy cảm trong xã hội. Bởi vậy, một chút tôn trọng cần thiết trong xã giao mà người dân cần được thấy từ cán bộ là xin chào, xin vui lòng, xin lỗi, xin cảm ơn âu cũng sẽ giảm phần nào sự ẩn ức. Bốn cái “xin” ấy cũng là hiếm, bởi lâu nay, toàn thấy dân xin cán bộ: con dấu, xác nhận, giấy khai sinh, bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi.
Huyện ủy Bành Sơn (Tứ Xuyên, Trung Quốc), đã đề ra “10 điều cấm” đối với cán bộ, trong đó có những hành vi: ném rác qua cửa kính xe, đổ nước trà xuống đường, xỉa răng nơi công cộng, dừng, đỗ xe sai quy định, bắt người khác xách đồ cho mình, hứa suông…
Dư luận Trung Quốc đã dấy lên một làn sóng chỉ trích, vì bộ tiêu chí dành cho cán bộ lại rất giống với những điều đã được dạy ở bậc tiểu học. Một nhà xã hội học của Đại học Nhân Dân Trung Quốc nói: “Đó là những quy tắc cư xử rất cơ bản của con người. Chẳng lẽ những cán bộ này không phải là người?” Nền giáo huấn của Trung Quốc nổi tiếng từ rất sớm. Bộ sách “Tam tự kinh” có từ đời Tống, được các triều đại sau kế tục phát triển, dạy trẻ bắt đầu đi học những điều nhân chi sơ nhưng rất hàm súc và toàn diện.
Trước khi ngày đọc sách Việt Nam diễn ra lần đầu tiên, vào ngày 21/4 tới, Bộ GD&ĐT trình dự thảo đề án đổi mới sách giáo khoa với 34.000 tỷ đồng. Bộ sách giáo khoa cho người vị thành niên đi học, cần đấy, nhưng quyết định được gì? Còn cần, còn bức thiết hơn nữa là biết bao nhiêu chiếc cầu cho trẻ đến trường, biết bao nhiêu ngôi trường phên lá trống hơ trống hoác như ngọn cỏ gió lùa ở mọi miền đất nước, biết bao nhiêu cuốn sách (không phải giáo khoa) cho trẻ nghèo để chúng không phải cầm nhầm rồi bị người lớn xúm vào trói và bêu lên mạng. Ước gì, chúng được quá tải với sách. Và ước gì xã hội không quá tải cái xấu, để chúng tiếp tục được tin vào những điều tốt đẹp đã đọc.