Công chức bỏ việc chuyển sang làm môi giới địa ốc

Bất động sản đang thu hút nhân sự từ nhiều ngành khác vì môi trường làm việc mở, có khả năng tăng thu nhập đột biến. Ảnh: Lucas Nguyễn.
Bất động sản đang thu hút nhân sự từ nhiều ngành khác vì môi trường làm việc mở, có khả năng tăng thu nhập đột biến. Ảnh: Lucas Nguyễn.
Có công việc thu nhập ổn định đã vào biên chế 12 năm, anh Hỏa Công, 36 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP HCM đột ngột chuyển sang làm môi giới địa ốc và kiếm được gần 300 triệu đồng sau 5 tháng đổi nghề.

Tháng 8/2015 anh Công nộp đơn vào một công ty môi giới địa ốc có trụ sở tại quận 7, nằm trong khu Phú Mỹ Hưng khi đang hoàn tất các thủ tục nghỉ việc tại một đơn vị nhà nước. Gia đình anh không đồng tình và phản đối quyết liệt vì nghề này đầy tai tiếng, lại bấp bênh, phập phồng theo độ nóng lạnh của thị trường bất động sản. Trong khi đó, công việc cũ thu nhập 10 triệu đồng một tháng chưa bao gồm các khoản phụ thu và thưởng, đủ để cân đối cuộc sống tại thành phố đắt đỏ hơn 10 triệu dân.

Song sự ngăn cản của gia đình chỉ càng thôi thúc anh phải làm thật tốt công việc mới. "Tôi đã lập gia đình, có 2 con, lại bước vào tuổi 36, trách nhiệm ngày càng lớn nên đã trăn trở rất nhiều nhưng vì có niềm tin mạnh mẽ với nghề môi giới nên tôi quyết đổi nghề", anh Công tâm sự. 

Từ một công việc có chuyên môn, đòi hỏi tính kỷ luật, đúng giờ và óc quan sát tỉ mỉ trong môi trường cố định, ông bố hai con chuyển sang nghề tự do giờ giấc, di chuyển liên tục và hoàn toàn lạ lẫm. Chập chững vào nghề, anh Công làm quen và trải nghiệm các hình thức tiếp thị từ dán quảng cáo đến truyền tin trên các trang mạng miễn phí lẫn có trả phí. Anh được hướng dẫn, thực hành những kiến thức cơ bản về thị trường bất động sản, cách sàng lọc đối tượng, tiếp cận, thuyết phục khách hàng và chốt giao dịch.

Trung bình mỗi ngày anh gọi khoảng 100 cuộc điện thoại để giới thiệu, tư vấn sản phẩm và chuẩn bị tinh thần sẽ bị từ chối tiếp chuyện đến hơn 90%. Chỉ có vài người trong danh sách này thật sự chịu lắng nghe và trả lời nhưng như thế đã là may mắn. Để chuẩn bị cho những đợt mở bán thứ bảy hoặc sáng chủ nhật với thời gian gấp rút, anh phải trực tiếp đi gửi thư mời cho khách hàng và nhà đầu tư bất kể họ ở khu trung tâm, ngoại thành hay các tỉnh lân cận dù không chắc họ có nhã ý tham dự hay không. Có khi anh phải đích thân gửi thư mời tận Biên Hòa, Vũng Tàu... để thêm phần trang trọng, tăng tính thuyết phục vì gửi bằng đường bưu điện có thể không kịp tiến độ diễn ra sự kiện.

Ngay cả khi đã tìm được khách hàng tiềm năng, có nhu cầu mua sản phẩm và có khả năng chi trả, việc kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu cũng không hề dễ dàng. Anh Công kể, đã nếm trải rất nhiều lần ngồi chờ khách hàng vài ba giờ đồng hồ liền do họ bận việc để rồi sau đó vì thời gian hạn chế, cuộc hẹn phải dời sang một hoặc vài hôm khác.

"Những lúc như thế, nếu hờn dỗi, tự ái, nghĩ mình bị xem thường thì không thể về đích được. Phải tôn trọng và thấu hiểu những tình huống khó khăn, kiên trì đến những phút cuối cùng mới có thể chốt được một giao dịch thành công", anh nói.

Anh môi giới địa ốc mới vào nghề còn vấp phải tình huống dở khóc dở cười khi chào mời mua biệt thự ven sông trị giá hàng chục tỷ đồng/căn tại TP HCM nhưng hẹn gặp thì thấy khách đi xe đạp đến tìm hiểu dự án. Trong lúc khách hàng ngân sách khiêm tốn choáng ngợp trước bất động sản hạng sang, dù biết đã chệch mục tiêu, người môi giới vẫn vui vẻ tiếp chuyện, giới thiệu sản phẩm và hứa hẹn sẽ còn những cơ hội khác được gặp lại để tư vấn.

Tháng đầu tiên vật lộn với môi trường mới, anh Công may mắn bán được căn hộ 3 phòng ngủ, trị giá hơn 4 tỷ đồng tại khu Đông TP HCM. Đến tháng thứ hai, đã quen việc nên có 3 giao dịch thành công, mỗi sản phẩm trị giá 2,7 tỷ đồng. Trong 3 tháng còn lại tốc độ bán chậm hơn và bước đầu làm việc theo nhóm nhưng cuối năm 2015 anh và các cộng sự đã chốt được một căn biệt thự biển trị giá 19 tỷ đồng. Công việc mới không có lương mà chỉ trông cậy hết vào hoa hồng. Sau khi trừ đi các chi phí, tổng thu nhập sau 5 tháng của anh đạt gần 300 triệu đồng.

Từng có hơn một thập niên làm việc theo biên chế nhà nước, anh Công nhận xét, nghề cũ đúng là rất ổn định nhưng thu nhập đóng khung trong khoảng 150-200 triệu đồng một năm. Trong khi đó, với công việc linh động của một nhân viên sale bất động sản, thu nhập có thể 0 đồng nhưng cũng có thể đột biến cao hơn nhiều lần so với công chức.

"Tôi tự thách thức bản thân kiếm 2 tỷ đồng trong năm 2016. Nếu hoàn thành mục tiêu, gia đình anh có cơ hội chuyển nhà từ Bình Chánh vào khu vực có điều kiện hạ tầng, môi trường sống tốt hơn", anh tỏ ra đầy quyết tâm. 

Chia sẻ với PV về sự thay đổi môi trường làm việc trong gần 6 tháng qua, anh Công thừa nhận đến nay vẫn bị gia đình phản đối theo nghề môi giới địa ốc dù tần suất chỉ trích có vơi đi chút ít. Tuy nhiên, anh nghiệm ra dù nghề mới khác xa ngành trước đây nhưng điểm chung là cách ứng xử giữa người với người. 

"Không có công việc nào dễ dàng, cũng không có sự thay đổi nào là xấu. Làm bất cứ việc gì, chỉ cần nghiêm túc, chân thành, tôn trọng người khác và kiên trì với con đường mình chọn thì thành công sẽ đến", anh bộc bạch.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG