Đe dọa sinh kế hàng chục triệu người
Chưa bao giờ lưu vực sông Mê Kông đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Mê Kông trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất.
Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông bị ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, trong 100 năm tới nước biển dâng làm mất 40% diện tích ĐBSCL.
ĐBSCL là nơi sinh sống của gần 20 triệu dân, đang phải chịu tác động của BĐKH và tình trạng phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực.
Tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và đặc phái viên Thủ tướng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow khẳng định việc phát triển tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. BĐKH sẽ tiếp tục làm thay đổi chế độ thủy văn của lưu vực, ảnh hưởng đến sinh kế và kinh tế trong vùng.
Nghiên cứu của Hội đồng Uy hội sông Mê Kông quốc tế về phát triển và quản lý bền vững sông Mê Kông bao gồm tác động của các công trình thủy điện dòng chính và nghiên cứu về ĐBSCL do Việt Nam đề xuất sẽ là nền tảng cho những hiểu biết sâu hơn về những nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích của các công trình phát triển trên thượng nguồn sông Mê Kông.
Cam kết mạnh mẽ
Trong tuyên bố TPHCM, lãnh đạo chính phủ bốn nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cam kết quyết tâm chính trị nhằm thực hiện Hiệp định Mekong 1995, cam kết mạnh mẽ trong hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững Lưu vực Mê Kông và trong sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hua Hin năm 2010, xác định các cơ hội và thách thức của khu vực trong 10 năm tới, gồm: gia tăng dân số, nhu cầu nước, lương thực, năng lượng và BĐKH.
Để thực thi, nỗ lực từ các quốc gia riêng lẻ là không đủ. Cần tăng cường hợp tác vùng, đặc biệt là giữa các nước ven sông, cả ở đầu nguồn và cuối nguồn thông qua các cơ chế đa phương và tiểu vùng như MRC.
“Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để sớm có kết quả vào cuối năm 2015. Trải qua nhiều thế hệ với những thăng trầm của lịch sử, sông Mê Kông vẫn mãi là cầu nối của tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước ven sông” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của một số phóng viên về công trình thủy điện Don Sahong sắp được xây dựng tại Lào, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết đã được Lào thông báo sẽ xây dựng vào cuối năm 2014.
Quan điểm của VN và Campuchia là các công trình thủy điện trên dòng chính cần có tham vấn của các nước trong Ủy hội và phải tuân thủ hiệp định 1995.
“Chúng tôi có đề nghị Lào, sau khi có kết quả nghiên cứu về tác động dòng chính trên sông Mê Kông mà VN chủ trì (với sự tham gia của Lào, Campuchia) và có kết luận cụ thể về các bậc thang trên dòng chính Mê Kông thì việc xây dựng mới được tiến hành” - ông Quang nói.