Cụm này bao gồm các dự án: Đường ống dẫn khí PM3-CM, Nhà máy Điện Cà Mau 1, Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhà máy đạm Cà Mau với cơ sở hạ tầng phụ trợ, khu dân sinh phục vụ tái định cư, khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp.
Dự án Đường ống dẫn khí PM3-CM, công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, tổng mức đầu tư 4.573 tỷ đồng (299,37 triệu USD), nhận khí từ giàn BR-B mỏ PM3 đến Cà Mau để cấp cho 2 nhà máy điện và Nhà máy đạm CM, dài 325km (298km dưới biển và 27km trên bờ), đường kính 18 inch (457cm).
Dự án khởi công tháng 4-2006 và bắt đầu cung cấp khí cho Nhà máy điện Cà Mau 1 từ tháng 5-2007, hoàn thành toàn bộ vào tháng 1-2008.
Từ khi vận hành đến nay, cung cấp trên 7 tỷ m3, liên tục, ổn định theo nhu cầu cho nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 và Nhà máy đạm Cà Mau.
Dự án Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, với tổng công suất thiết kế 1.500MW, tổng vốn 4.049 tỷ đồng (883,43 triệu USD), sản lượng điện trên 8 tỷ KWh/năm, cung cấp điện cho Tây Nam bộ và hệ thống lưới điện quốc gia.
Nhà máy điện Cà Mau 1, khởi công tháng 3-2006, phát điện lần đầu lên lưới điện Quốc gia tháng 4-2007, hoàn thành vận hành thương mại tháng 3-2008.
Nhà máy điện Cà Mau 2 khởi công tháng 7-2006, phát điện lần đầu lên lưới điện Quốc gia tháng 8-2008, hoàn thành vận hành thương mại tháng 12-2008.
Lao động trên công trường. |
Hai nhà máy đã hoàn thành đúng tiến độ với tổng sản lượng phát điện lên lưới 32,6 tỷ KWh, kịp thời góp phần hạn chế thiếu hụt về điện năng, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Dự án Nhà máy đạm Cà Mau là mắt xích cuối cùng, dự án có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất trong Cụm dự án. Nhà máy đạm Cà Mau có công suất thiết kế 800.000 tấn Urê/năm (2.385 tấn Urê/ngày), tổng mức đầu tư 14.492,9 tỷ đồng (tương đương 900,2 triệu USD), khởi công vào ngày 26-7-2008, hoàn thành xây lắp, chạy thử, có sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 29-1-1012 và đưa vào vận hành thương mại từ 20-4-2012.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy cung cấp liên tục, ổn định hơn 400.000 tấn sản phẩm ure chất lượng cao cho Khu vực ĐBSCL (vựa lúa lớn nhất của cả nước).
Thời điểm lao động tập trung nhiều nhất khoảng 10.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân xây dựng Công trình thanh niên cộng sản - Cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 1.130 lao động (668 kỹ sư, cao đẳng trở lên, 462 công nhân), trong đó 487 lao động thuộc các tỉnh ĐBSCL và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp.
Hàng năm, đóng góp của toàn cụm công nghiệp khí- điện- đạm Cà Mau cho ngân sách tỉnh Cà Mau trên 1000 tỷ đồng, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam thực hiện công tác an sinh xã hội, đã xây dựng và cấp vốn hơn 230 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, các công trình giao thông nông thôn, nhà ở cho các gia đình chính sách, trường học, nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ kinh phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đi học bằng đò… với phương châm “Phát triển sản xuất đi đôi với tạo phúc và an dân”.