Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nơi biển cả mênh mông, những ngư dân miệt mài bám biển đang cảm nhận được không khí Tết sớm qua những lời chúc, những tấm lòng gửi trao từ đất liền, từ những món quà ý nghĩa từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân. 

Những ngày này, không khí Tết đang cận kề, nhiều ngư dân trên quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) vẫn nỗ lực bám biển và sẽ ở lại bám biển xuyên Tết.

Đã 4 năm ăn Tết trên biển, ông Trương Văn Thanh (sinh năm 1952, ngư dân trên quần đảo Cát Bà) phần nào quen với việc ăn Tết xa gia đình. Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, với ánh mắt rưng rưng, ông Thanh kể: "Biển cả không chỉ rộng lớn mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ngư dân phải đối mặt với những cơn bão bất ngờ, sóng lớn và thay đổi thời tiết khó lường. Những chuyến ra khơi trong mùa mưa bão thường là cuộc đua với tử thần, chỉ cần một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến mất thuyền, mất lưới, thậm chí là tính mạng".

Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 1

Những ngư dân trên đảo Cát Bà kiên cường bám biển xuyên Tết. Ảnh: Châu Linh

Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 2

Ông Trương Văn Thanh (thứ hai từ phải sang) nhận quà Tết từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân. Ảnh: Châu Linh

Theo ông Thanh, năm qua, biến đổi khí hậu cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, khiến việc dự đoán thời điểm và khu vực đánh bắt ngày càng khó khăn. "Vì vậy, tôi cũng phải tranh thủ dịp Tết để bám biển để mưu sinh. Trong năm mới, tôi cũng mong sẽ có nhiều chính sách phát triển bền vững để cuộc sống của ngư dân vơi bớt nhọc nhằn", ông Thanh nói.

Đối với ông Hoàng Văn Nghị (sinh năm 1971, quê ở Hải Dương) đã hơn 20 năm bám biển đã quen với hình ảnh nhiều ngư dân không thể về đất liền để ăn Tết cùng gia đình do đặc thù công việc, nhất là những chuyến biển kéo dài hàng tuần hoặc cả tháng. Vì vậy, nhiều ngư dân tổ chức Tết ngay trên tàu với những điều kiện hạn chế.

"Tết xa nhà khiến ngư dân chúng tôi càng thêm trân quý những giây phút đoàn tụ gia đình. Để vơi nỗi nhớ, mọi người thường liên lạc với người thân qua điện thoại hoặc các phương tiện khác để chia sẻ niềm vui đầu năm", ông Nghị chia sẻ.

Với ông Nghị, Tết năm nay vui hơn mọi năm bởi ngư dân tại đây được đón đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân thăm, động viên, tặng quà Tết sớm.

"Đặc biệt, khi xảy ra bão, lũ hoặc các sự cố tàu thuyền trên biển, lực lượng hải quân thường tham gia vào các chiến dịch cứu hộ, tìm kiếm và cứu nạn. Họ góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân khi gặp nạn", ông Nghị nói.

Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 3

Ông Hoàng Văn Nghị nhận cờ Tổ quốc và các phần quà Tết ý nghĩa từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân và Quận Đoàn Long Biên (Hà Nội).

Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 4Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 5
Ngư dân Đặng Trọng Hòa (quê ở Thanh Hoá) nhận món quà Tết ý nghĩa từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân. Ảnh: Châu Linh
Tết sớm với ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 6

Cờ Tổ quốc được treo trên tàu cá của ngư dân trước thềm Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Châu Linh

Theo Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 1 Hải quân, những món quà, lời chúc Tết chân thành từ Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân, cùng các đơn vị như một sự khích lệ tinh thần quý báu, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong những ngày bám biển xuyên Tết.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ hải quân cùng đoàn công tác cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa đất liền với biển đảo, tăng cường niềm tin của ngư dân vào lực lượng hải quân - những người luôn sát cánh, bảo vệ họ trước mọi hiểm nguy, từ sóng dữ đến các thách thức an ninh trên biển.

Trên con tàu 634, Hải đội 137, 26 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 169, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân cùng đoàn công tác đã khởi hành chuyến thăm, tặng quà, chúc Tết nhân dân, ngư dân, cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (thành phố Hải Phòng).

MỚI - NÓNG
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
TPO - Tại các công trường xây dựng ở thủ đô Oslo của Na Uy có những bãi vật liệu xây dựng được tập kết gọn gàng, công nhân xây dựng và máy móc miệt mài làm việc, nhưng không có tiếng ồn như ở những công trường khác.