Ngày 24/12, Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP. Hà Nội tổ chức chung kết Cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp" lần thứ II, năm 2024, với sự tham gia tranh tài của 10 đội thi xuất sắc.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi thường niên, bổ ích về khởi nghiệp cho sinh viên, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với ứng dụng thực tiễn.
Ban giám khảo và các đại biểu tham quan sản phẩm khởi nghiệp tham dự vòng chung kết “Bệ phóng khởi nghiệp (STARTUP LAUNCHPAD)” lần thứ II, năm 2024. Ảnh: Phan Linh |
Để chuẩn bị cho vòng chung kết, 10 dự án, ý tưởng xuất sắc của cuộc thi đã được tham gia các hoạt động “Ươm mầm” với một chuỗi hội thảo đào tạo, hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm.
Ban tổ chức tặng hoa cho các đội thi tại vòng chung kết. Ảnh: Phan Linh |
10 dự án tham gia vào chung kết đều gắn với những sản phẩm thiết thực, ý nghĩa cho cuộc sống, nhiều sản phẩm đã được sản xuất ra thị trường.
1. Dự án Bio Heal - Gel nano kháng viêm kháng khuẩn tạo màng bảo vệ vết thương hở thay thế da trước khi vết thương lành, của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội.
Dự án với sản phẩm gel nano kháng viêm kháng khuẩn có thành phần chiết xuất 100% từ thiên nhiên, không chứa Bo và Nitrat. Sản phẩm tạo màng nhanh từ 2 – 5 phút, giải quyết vấn đề về nhiễm trùng ngoài da do không được sơ cứu đúng cách, thân thiện với môi trường, không kích ứng cho da. Hiện dự án đã sản xuất sản phẩm ra thị trường, và hướng đến mục tiêu năm 2030, Bio Heal chiếm lĩnh 5% thị phần trong thị trường chăm sóc sức khỏe vết thương ngoài da tại Việt Nam.
Các đội thuyết minh sản phẩm tại vòng chung kết. Ảnh: Phan Linh |
2. Dự án E-Aft – Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ 24/7 của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Giao thông vận tải.
Dự án xây dựng trung tâm bảo dưỡng sửa chữa chuyên nghiệp cho các loại xe điện, phát triển ứng dụng cứu hộ xe điện lưu động 24/7 là giải pháp uy tín cho việc bảo dưỡng sửa chữa xe điện nói chung, tiến đến xây dựng hệ sinh thái xe điện, góp phần phát triển giao thông đô thị và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của khách hàng.
3. Dự án NEU Reader - Nền tảng giáo trình điện tử tối ưu cho sinh viên và cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng, của nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
NEU Reader mang đến giải pháp về giáo trình điện tử dành cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, với hai ứng dụng chính. Trong đó, NRD Student App là ứng dụng giáo trình điện tử dành cho sinh viên kinh tế quốc dân, đồng bộ trên mọi thiết bị, kho sách đa dạng, ghi chú tiện lợi cùng với tính năng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Ứng dụng NRD Back Office, giúp thầy cô, cán bộ quản lý dễ dàng quản lý người dùng, tài liệu, sách, giáo trình, thống kê hoạt động người dùng trên hệ thống.
Hiện tại NRD Student App đã có các phiên bản Windows, MacOS, iPadOS, Android. Hiện, có hơn 50.000 tài khoản đang hoạt động trên hệ thống.
4. Dự án Hệ thống nhúng phân tầng phân loại các bệnh lý hô hấp triển khai trên FPGA, của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dự án nhằm phát triển một hệ thống nhúng phân tầng hiệu quả và tiết kiệm chi phí để chẩn đoán các phân loại của bệnh hô hấp, bao gồm khỏe mạnh, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), nhiễm trùng đường hô hấp trên (URTI), viêm phế quản, viêm phổi. Hệ thống sử dụng biến đổi tín hiệu miền thời gian - tần số và học máy để phân tích âm thanh hô hấp của bệnh nhân. Hệ thống đạt độ chính xác cao nhất là 98,81% cho 5 lớp bệnh: COPD, khỏe mạnh, URTI, viêm phế quản, và viêm phổi, và tiết kiệm 52,5% năng lượng tiêu thụ so với các phương pháp truyền thống dựa trên CPU-GPU.
5. Dự án Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp, của nhóm sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Dự án sử dụng các phế thải nông nghiệp (rơm rạ,..) và phế thải công nghiệp (Gypsum - phế thải trong quá trình sản xuất phân bón DAP) để chế tạo ra loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, giá thành rẻ và tính chất cơ lý tốt. Các dòng sản phẩm dự án mang lại: tấm panel vách ngăn và tường siêu nhẹ cho công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, những công trình yêu cầu vật liệu nhẹ; tấm trang trí nội thất trong nhà mang kiến trúc giả đá, giả bê tông; phân bón hữu cơ.
6. Dự án Align health - Số hóa quá trình phục hồi chức năng và vật lý trị liệu tại nhà với AI, của nhóm sinh viên Trường Đại học VinUni.
Dự án Align cung cấp nền tảng với đa dạng tính năng phù hợp cho cả bác sĩ và bệnh nhân để tăng hiệu quả, chính xác, sự đảm bảo xuyên suốt cho bệnh nhân tập luyện tại nhà. Huấn luyện viên Align AI giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập phục hồi chức năng chính xác và hiệu quả với hướng dẫn điều chỉnh thời gian thực.
7. Dự án "Than bón sinh học" của nhóm sinh viên Đại học Thương mại.
Dự án tập trung vào sản xuất và kinh doanh than bón sinh học, một loại than được tạo ra thông qua quá trình nhiệt phân rơm và trộn với phân rơm ủ hoai. Sản phẩm được sử dụng để cải thiện chất lượng đất, tăng cường độ phì nhiêu, giữ ẩm và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể được sử dụng để giảm mùi hôi từ các chuồng trại chăn nuôi.
8. Dự án Easy-Comm - Nền tảng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính, của nhóm sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội.
Easy-Comm là nền tảng giao tiếp hỗ trợ người khiếm thính, giúp vượt qua rào cản giao tiếp thông qua công nghệ nhận diện ngôn ngữ ký hiệu và chuyển đổi ngôn ngữ kí hiệu thành văn bản thông qua camera điện thoại/laptop. Dự án này không chỉ giúp người khiếm thính hòa nhập xã hội mà còn giảm sự phụ thuộc vào phiên dịch viên, mở ra cơ hội nghề nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
9. Dự án Awake Drive - Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não, của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Dự án Awake Drive là sản phẩm sử dụng cơ chế đọc thu sóng não và phát nhịp Isochronic (nhịp đập hai tai và đơn âm) tương tác trực tiếp với sóng não của tài xế. Qua sự tương tác này giúp kích thích và tăng cường hoạt động não bộ của người lái xe. Sản phẩm giúp người lái xe duy trì trạng thái tỉnh táo, tăng cường khả năng phản ứng trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
10. Dự án Bộ thẻ HeritageflashXR, của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Dự án cung cấp bộ sản phẩm thẻ HeritageFlash XR về di sản văn hóa có tích hợp công nghệ thực tế ảo nhằm cung cấp bộ học tập cho quá trình dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử. Với tích hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại góp phần phát huy năng lực số cho học sinh trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay.
Kết quả chung cuộc, Dự án Awake Drive của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội xuất sắc giành giải Nhất, nhận phần thưởng 30 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Tại vòng chung kết, cùng với Hội đồng Ban giám khảo là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, sẵn sàng đầu tư vào dự án tiềm năng, như bà Đỗ Liên (Shark Liên) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường xanh Việt Nam; ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ NovaEdu; ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam (Intech Group), Phó Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam...