Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hội nghị có sự tham dự của gần 750 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý/chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Ảnh: CK |
Báo cáo tại hội nghị đánh giá, năm 2024, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Từ tháng 8/2024, báo chí đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền, phân tích về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; làm nổi bật các thông điệp, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chuyển đổi số, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; phòng chống lãng phí, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả…
Đặc biệt, báo chí đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, công việc cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và cần cả sự hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích chung của đất nước
Hội nghị cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập của công tác báo chí năm 2024; những vấn đề đặt ra, những thách thức và cơ hội đối với báo chí và những yêu cầu đòi hỏi khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ trì hội nghị. Ảnh: CK |
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2024, góp phần vào sự phát triển, thành công chung của cả đất nước. Năm 2025 có rất nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, với những người làm báo còn đặc biệt ý nghĩa khi tròn 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, ông Nghĩa yêu cầu, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ông Nghĩa cũng lưu ý các tờ báo tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng, sự kiện trọng đại của đất nước, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; 95 năm ngày thành lập Đảng; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Khơi dậy tinh thần yêu nước của con người Việt Nam thông qua kỷ niệm các ngày lễ lớn. Các cơ quan báo chí cần tập trung cho việc tuyên truyền việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo sự đồng thuận, thống nhất với chủ trương của Trung ương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CK |
Về chủ trương hợp nhất, kết thúc hoạt động một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, việc thực hiện chủ trương này rất quan trọng, cần thiết đối với nền báo chí cách mạng; không chỉ đơn thuần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cơ quan báo chí một cách cơ học, mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên báo chí.
Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, các hoạt động kỷ niệm cần được tổ chức trang trọng, ấn tượng, thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội...
Đại diện Báo Tiền Phong cùng các cơ quan báo chí nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2024. Ảnh: CK |
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen tặng 31 cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2024; Bộ TT&TT trao tặng Giấy chứng nhận đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 cho 28 cơ quan báo chí.
Báo Tiền Phong được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.
Cả nước hiện có 884 cơ quan báo chí, gồm 812 báo, tạp chí và 72 đài phát thanh truyền hình (PTTH). Trong đó, có 137 báo (73 báo địa phương, 64 báo trung ương); 675 tạp chí (323 tạp chí khoa học, 275 tạp chí thuộc tổ chức hội, 77 tạp chí thuộc cơ quan khác).
Về mức độ tự chủ tài chính, báo chí in, điện tử tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 39%; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 36%; ngân sách bảo đảm chi thường xuyên 25%. Trong số 72 đài PTTH, có 5 đài tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (6,9%); 21 đài tự bảo đảm chi thường xuyên (hơn 29%); 46 đài tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (gần 64%).
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người, trong đó khối PTTH xấp xỉ 16.500 người. Tính đến tháng 12/2024, có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo.