Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su

TPO - Nghề nuôi hàu bằng hàng chục nghìn vỏ lốp cao su tạo giá thể thả xuống đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) từng gây nhiều tranh cãi về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn giao thông, khiến cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, tìm hướng xử lý. Gần đây, ngư dân địa phương dần chuyển sang mô hình nuôi hàu thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định… được xem là hồi kết cho cách nuôi thủy sản “đầu độc” nguồn nước này.

Lạ lùng nuôi hàu trên vỏ lốp cao su

Tại Lăng Cô, nghề nuôi hàu thương phẩm trên đầm Lập An - một danh thắng xứ Huế, được xem làm nghề truyền thống từ hàng chục năm nay. Chuyện không có gì đáng nói nếu ngư dân duy trì cách nuôi thân thiện môi trường bằng giá thể cọc gỗ, thân tre, dây cước thả giăng xuống vùng nước đầm phá.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, một bộ phận ngư dân chuyển đổi cách nuôi bằng loại giá thể mới, đó là những vỏ lốp xe đạp, xe gắn máy. Các ngư dân đã nảy ra “sáng kiến” thả hàng loạt vỏ lốp cao su xuống đầm nước danh thắng Lập An để làm giá thể cho ấu trùng hàu bám vào và lớn lên.

Cách nuôi “phi truyền thống” này giúp ngư dân đỡ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức làm giá thể, lắp dựng dàn nuôi. Thêm nữa, các vỏ lốp có thể được tái sử dụng qua nhiều chu kỳ nuôi mà không lo bị mục hỏng như thân tre, cọc gỗ.

Từ “sáng kiến” ban đầu này, nghề nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su sau đó được “nhân rộng” trên nhiều phạm vi mặt nước của đầm Lập An, gần như triệt tiêu cách nuôi truyền thống bằng cọc tre, giá gỗ.

Cũng từ đây, những quan ngại về ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan, sinh thái đầm Lập An do cách nuôi hàu bằng vỏ lốp ngâm trong nguồn nước tự nhiên bắt đầu nảy sinh.

VIDEO: Môi trường, cảnh quan danh thắng đầm Lập An đổi thay khi nghề nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su dần biến mất.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 1

Nuôi hàu bằng vỏ lốp gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan sinh thái từng được ngư dân Lăng Cô áp dụng đại trà trên đầm Lập An. Ảnh: N.V.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 2

Ngư dân thu hoạch hàu nuôi bằng vỏ lốp thiếu thân thiện môi trường tại đầm Lập An. Ảnh: N.V

Năm 2016, Bộ NN&PTNT từng chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế vào cuộc kiểm tra việc nuôi hàu bằng vỏ lốp tại đầm Lập An. Thông tin từ Sở NN&PTNT TT-Huế thời đó cho biết qua kiểm tra, phân tích nguồn nước và các mẫu vật, các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng trên con hàu nuôi tách ra từ vỏ lốp cao su ở đầm Lập An cao hơn so với hàu nuôi ở hai điểm ở hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Sở NN&PTNT TT-Huế cho rằng việc nuôi hàu bằng giá thể lốp xe cũ ở vùng nước nông và nhỏ gây nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước, làm mất đi hình ảnh đẹp trong mắt du khách, ảnh hưởng cảnh quan môi trường xung quanh vịnh Lăng Cô. Sở này từng khuyến cáo ngư dân Lăng Cô chuyển đổi nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su sang phương thức thân thiện môi trường bằng cọc, giàn, bè.

Sau những nghiên cứu và khuyến cáo của cơ quan chức năng, phải mất thêm nhiều năm, ngư dân Lăng Cô mới dần từ bỏ cách nuôi hàu bằng vỏ lốp thiếu thân thiện môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng cảnh quan, sinh thái... để chuyển sang phương thức nuôi mới.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 3

Giá thể sau thu hoạch hàu được vứt ngổn ngang ven bờ đầm Lập An. Ảnh: N.V.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 4

Giá thể vỏ lốp được vứt ra đường để xe cộ cán qua nhằm tách bỏ vỏ hàu cũ gây mất an toàn giao thông. Ảnh: N.V.

Hướng đi mới

Từ các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao của Sở KH&CN tỉnh TT-Huế, Đại học Nông lâm Huế về Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất công nghệ nuôi hàu thân thiện môi trường tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc, cũng như qua những đợt tham quan, học tập thực tế mô hình nuôi hàu tại các tỉnh phía Bắc và khu vực Nam Trung bộ, ngư dân Lăng Cô dần thay đổi nhận thức và bắt đầu áp dụng phương thức nuôi mới hiệu quả, bảo vệ môi trường.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 5

Một góc danh thắng đầm Lập An trở thành điểm check-in dành cho du khách hiện nay.

Anh Dương Đăng Kỳ (ngụ tổ dân phố An Cư Tân, Lăng Cô) - ngư dân kỳ cựu về nuôi hàu trên đầm Lập An là một trong những trường hợp đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi cách nuôi hàu cũ sang phương thức nuôi bằng giá thể cấy sẵn phôi trên mảnh hàu cũ gắn vào dây đeo, cọc gỗ và phao cố định vị trí.

Qua 3 năm thực hiện, cách nuôi này cho hiệu quả kinh tế ổn định, thân thiện với môi trường sinh thái. Theo anh Kỳ, nuôi hàu bằng giá thể cấy sẵn phôi trên mảnh hàu cũ gắn dây có chu kỳ ngắn hạn, tăng thêm nhiều vụ trong một năm.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 6

Môi trường đầm Lập An trở nên trong lành hơn.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết nuôi hàu theo cách mới, ngư dân địa phương có thể thực hiện 3-4 vụ trong một năm, lượng hàu thương phẩm thu hoạch nhiều hơn, hiệu quả kinh tế ổn định. Tại địa phương hiện có 228 hộ nuôi hàu theo mô hình thân thiện môi trường. Lượng hàu thương phẩm hàng năm của địa phương khoảng 5.300 tấn. Nhiều hộ nuôi hàu thu lãi từ 150-180 triệu đồng/năm.

“Chính quyền địa phương hiện tiếp tục vận động những hộ ngư dân còn nuôi hàu bằng vỏ lốp chuyển đổi sang phương thức nuôi hàu mới thân thiện môi trường. Thị trấn sẽ thực hiện đề án sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, gắn với bảo tồn nguồn gen và các loài thủy sản quý, tiến hành cắm mốc phân vùng”, ông Nhân thông tin.

Theo ông Nhân, sắp tới thị trấn Lăng Cô sẽ thí điểm bố trí 5 ha mặt nước đầm Lập An để thực hiện sắp xếp nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định, bảo tồn các loài, thân thiện môi trường, trong đó ưu tiên cho các hộ nuôi hàu theo phương thức mới.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 7

Vỏ lốp làm giá thể nuôi hàu không còn xuất hiện tại nhiều khu vực mặt nước thuộc đầm Lập An.


Hồi kết cho nghề nuôi hàu 'lạ lùng' bằng vỏ lốp cao su ảnh 8

Hàu sạch nuôi từ giá thể cọc gỗ, dàn dây thân thiện môi trường ở đầm Lập An.

Tin liên quan