Gượng dậy sau lũ lớn
Vụ hoa Tết Nguyên Đán 2025 đang đến gần, không khí ở làng hoa cây cảnh tại các xã Phụng Công và Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) những ngày này nhộn nhịp hơn. Những chiếc xe tải lớn liên tục chở cây nhập từ nơi khác đến làng, và chở cây từ làng đi phân phối tại các tỉnh thành lân cận.
Những nông dân, tiểu thương tất bật tưới cây, tỉa cành, chốc chốc lại cầm điện thoại trả lời khách hàng. Dù vậy, tình hình buôn bán năm nay dự kiến sẽ ảm đạm hơn năm ngoái rất nhiều do ảnh hưởng của bão Yagi.
Chị Trần Thị Hồng Nhung đang chăm sóc vườn hoa của mình hy vọng vào vụ Tết |
Chị Trần Thị Hồng Nhung, chủ nhà vườn Hợp tác xã (HTX) dịch vụ hoa cây cảnh Phụng Công cho biết, làng hoa cây cảnh xã Phụng Công bị thiệt hại rất nhiều trong đợt ngập lụt lớn tại miền Bắc sau cơn bão Yagi.
“Nước ngập đến hơn 2 mét nên hầu như không có cây nào sống nổi. Nhà nào cũng thiệt hại, nhẹ thì vài trăm triệu đồng, nặng thì vài tỷ đồng. Riêng nhà tôi bị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng”, chị Nhung nói.
“Trước mắt, làng hoa Phụng Công vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh, đối tượng hoa, cây cảnh bị thiệt hại không nằm trong danh mục được hỗ trợ. Vì vậy, tôi mong nhà nước sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ các làng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang trong thời gian sắp tới để người dân sớm phục hồi sản xuất”.
Ông Phạm Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công
Còn theo anh Phạm Văn Thắng, chủ nhà vườn Gia Bảo (xã Phụng Công), nhà vườn của anh bị thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. “Phải mất ít nhất khoảng 2-3 năm để nhà vườn của tôi phục hồi lại như cũ. Vì những cây bị chết hầu hết đều là cây lâu năm như trà, hải đường, đỗ quyên… Quá trình từ khi gieo hạt đến khi ra hoa phải mất ít nhất vài ba năm”, anh Thắng nói.
Theo ông Phạm Văn Sáng, Phó Chủ tịch xã Phụng Công, hiện xã có khoảng 1.800 hộ dân (chiếm hơn 80%) đang nuôi trồng hoa, cây cảnh để kinh doanh trên diện tích hơn 200 héc-ta. Tổng thiệt hại tại làng hoa sau đợt bão lũ vừa qua ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng, trong đó có khoảng 100 héc-ta bị thiệt hại hoàn toàn.
Trồng hoa ngắn ngày và nhập hoa lâu năm từ nơi khác
Theo chị Nguyễn Ngọc Ánh, chủ nhà vườn Tiệp Ánh (xã Xuân Quan), để thích nghi với những khó khăn do bão lũ gây ra, chị chuyển sang nuôi trồng các loại hoa ngắn ngày, có thể thu hoạch trong vòng 2-3 tháng như hoa ngọc thảo, dạ thảo, cẩm chướng, đồng tiền, thu hải đường…, được đựng trong các chậu, giỏ treo nhỏ.
Hạt giống được chị mua trong Đà Lạt và gieo trồng ngay sau khi kết thúc đợt bão lũ. Chị mất 1 tháng để dọn dẹp ruộng vườn sau khi lũ rút, rồi gieo hạt vào khoảng giữa tháng 10. Bây giờ, chị đã có thể thu hoạch và mang bán cho khách.
Nói về giá cả, chị Ánh cho biết, giá hoa Tết sẽ tăng một chút so với năm ngoái vì sản lượng hoa năm nay giảm mạnh.
“Chẳng hạn như một chậu hoa đồng tiền sẽ có giá khoảng 50.000 đồng; chậu thu hải đường có giá khoảng 13.000 đồng tới 15.000 đồng; còn chậu treo dạ thảo, ngọc thảo có giá từ 70.000 đồng - 80.000 đồng. Tuy nhiên, càng gần Tết thì giá sẽ càng giảm đi”, chị Ánh cho biết.
Còn với chị Nhung, chủ nhà vườn HTX dịch vụ hoa cây cảnh Phụng Công, bên cạnh việc trồng các cây ngắn ngày, chị còn nhập thêm hoa và cây cảnh từ miền Nam. Các loại hoa, cây cảnh được nhập về có cả loại ngắn ngày (ngọc thảo, dạ thảo, thiết mộc lan…) và lâu năm (hoa giấy, trà, hải đường…). Cây chủ lực ở vườn nhà chị là hoa giấy, giá dao động từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng.
“Nhưng năm nay tôi sẽ không tăng giá so với năm ngoái, kể cả với hoa, cây cảnh nhập. Thứ nhất là để giữ chân khách hàng, vì tôi muốn làm ăn với họ lâu dài chứ không phải một năm rồi thôi.
Thứ hai, tôi cũng muốn san sẻ với họ một chút, vì nhiều người cũng như mình, bị thiệt hại nhiều sau bão lũ. Tóm lại là năm nay mình không đặt mục tiêu có lãi nhiều, nếu chỉ đủ để thu hồi vốn thôi cũng được”, chị Nhung chia sẻ.
Ông Phạm Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết, chính quyền xã đã và đang nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh mương, điều tiết nguồn nước phù hợp bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho việc sản xuất hoa, cây cảnh của người dân.
Ngoài ra, xã còn gia cố hệ thống đê điều ven sông Hồng để ngăn nguy cơ lũ lụt tiếp tục xảy ra.