Nám da, những điều có thể bạn chưa biết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nám da là tình trạng xuất hiện những vết, đám da biến đổi sắc tố màu nâu xám trên mặt, có xu hướng ngày càng đậm màu nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Nám là tình trạng tăng hắc tố melanin dưới một vùng da nhất định, gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Melanin vốn là một sắc tố được sản sinh bởi các tế bào melanocyte bên dưới lớp biểu bì, có nhiệm vụ giúp bảo vệ làn da trước tác hại của các tia UV. Tuy nhiên, khi các hắc tố này tập trung với mật độ lớn, sẽ gây ra tình trạng nám. Nám có thể xuất hiện ở phụ nữ các độ tuổi nhưng phổ biến hơn ở những thời điểm đặc biệt như trong thai kỳ hoặc khi người phụ nữ bước vào tuổi trung niên, giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh. Nám da thường xuất hiện ở hai má, nhất là vùng gò má, đôi khi xuất hiện ở hai bên cổ, vai và cánh tay.

Nám da, những điều có thể bạn chưa biết ảnh 1
Nám có thể xuất hiện ở phụ nữ các độ tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây nám da, chủ yếu được chia làm 2 nhóm chính. Trước tiên là các yếu tố bên ngoài như: tia UV trong ánh nắng mặt trời, do dùng thuốc (uống các thuốc gây nhạy cảm với nắng như tetracyclin, doxicilin, sulfamid... mà phơi nắng, không đội mũ rộng vành rất dễ bị nám da), do sử dụng mỹ phẩm, phản ứng nhiễm độc với ánh sáng…Yếu tố gây nám bên trong cơ thể có thể là do dinh dưỡng, di truyền, rối loạn nội tiết làm thúc đẩy quá trình sản sinh hắc tố melanin dưới da. Ngoài ra, nhiều trường hợp nám da không rõ nguyên nhân.

Chữa trị nám cần kiên trì

Vì nám da là một hội chứng phức tạp nên việc điều trị nám không hề dễ dàng. Kết quả điều trị nám đến đâu cũng còn phụ thuộc vào tình trạng nám, thời gian, nguyên nhân bị nám, tính chất công việc, cơ địa, thói quen…Chẳng hạn đối với những tình trạng nám nông, mới xuất hiện, công việc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không quá nhiều áp lực và căng thẳng… thì việc điều trị sẽ dễ dàng, thời gian điều trị ngắn và hiệu quả hơn. Nếu kiên nhẫn điều trị và phòng chống thì dần dần những vết nám sẽ nhạt dần.

Nếu thời gian bị nám đã lâu, nguyên nhân bị nám do rối loạn nội tiết bên trong cơ thể và tình trạng nám đã trở nên trầm trọng thì cần phải sử dụng nhiều biện pháp để loại bỏ nám. Trong trường hợp này, dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì cũng rất khó xoá mờ hết nám.

Khi bị nám da, đa số chị em đều tìm mọi cách để chữa trị. Tuy nhiên việc điều trị nám đòi hỏi phải kiên trì. Các biện pháp làm trắng nhanh mà các chị em thường nóng vội sử dụng có thể giúp loại bỏ vết nám tạm thời nhưng rất dễ gây nguy cơ nám da trở lại, thậm chí trầm trọng và khó điều trị hơn, da cũng sần sùi và kém sức sống. Rất nhiều chị em khi đi khám thì đã bị hư da mặt vì điều trị nám sai cách trên vùng da đặc biệt nhạy cảm này.

Nên điều trị nám da kết hợp ngừng uống thuốc tránh thai; dùng kem chống nắng khi đi ngoài trời. Sử dụng kem tẩy nhẹ để rửa mặt. Nếu da khô thì dùng thêm kem dưỡng ẩm nhẹ (nếu da vừa bị nám vừa có mụn trứng cá thì không nên áp dụng). Cần đặc biệt lưu ý, không nên sử dụng corticosteroid bôi tại chỗ như hydrocortison có thể làm cho các vết nám nhanh phai màu nhưng dễ bị các phản ứng phụ (teo da, mỏng da).

Phá hủy sắc tố bằng ánh sáng cường độ cao (tia lazer): thời gian điều trị từ 10-20 tuần, nhưng ngay cả những người có kết quả điều trị tốt thì sắc tố có thể xuất hiện trở lại khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc do rối loạn nội tiết.

Tuy nhiên cần nên nhớ rằng không có phương pháp điều trị nào được xem là hiệu quả 100% đối với mọi tình trạng nám. Ngay cả khi điều trị hết 100% nám mà chị em không có ý thức giữ gìn ví như ra nắng lúc 12 giờ trưa mà không đội nón, sử dụng mỹ phẩm bừa bãi, uống thuốc ngừa thai quá nhiều… cũng sẽ là những nguyên nhân khiến nám sớm quay trở lại.

Nên làm gì khi da bị nám?

Khi bị nám việc đầu tiên là đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị theo hướng dẫn. Tuyệt đối không dùng mỹ phẩm, thuốc trị nám bán trôi nổi trên thị trường mà trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần, hoặc dùng theo người khác mách bảo. Nhiều trường hợp bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa adrenocorticiod như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám nhiều hơn.

Nám da, những điều có thể bạn chưa biết ảnh 2

Người bị nám da nên tránh các gia vị gây nóng.

Lưu ý trong ăn uống: có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám đậm hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng. Cần cải thiện chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm giàu các vitamin A, C, E, omega-3, selen để chống lão hóa da. Nên đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời nắng và sử dụng kem chống nắng thường xuyên để ngăn tác hại của ánh nắng mặt trời đối với da.

MỚI - NÓNG