Do đó, nhiều nghiên cứu chứng minh khi bôi kem chống nắng thường xuyên có thể phòng ngừa 90% nám, sạm cho da. Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp chống nắng khác như áo chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành, kính râm…
Nám da, sạm da - tăng sắc tố da nằm trong các rối loạn sắc tố da cũng là một loại bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều người hay nhầm lẫn giữa nám da, sạm da và các vết đồi mồi trên da. Theo TS Hà, nám da là bệnh tăng sắc tố mắc phải, thường gặp ở phụ nữ sau tuổi dậy thì, đặc biệt sau quá trình mang thai, sinh đẻ. Nám da cũng có thể gặp ở nam giới nhưng tỷ lệ ít hơn. Khi xuất hiện nám thường có mảng nâu nhạt, nâu thẫm, thường gặp ở vùng mặt, vùng hở như hai bên gò má, trung tâm mặt, mũi, vùng tam giác cổ áo, vùng tay, các vùng lộ sáng.
Vấn đề dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng đến làn da, có thể làm cho quá trình lão hóa da nhanh hơn. Bác sĩ Hà cho hay, việc điều trị nám là điều trị liên quan đến lão hóa da, giãn mạch da chứ không đơn thuần là điều trị nám (điều trị sắc tố). Do đó, những người dinh dưỡng kém, người nhịn ăn thường nhìn già hơn, da kém căng hơn so với bình thường, ảnh hưởng đến sắc tố da rõ ràng.
Bác sĩ Phương Quỳnh Hoa, Phó trưởng Khoa laser và săn sóc da khuyến cáo, để tăng cường sức khỏe làn da, hạn chế sạm, nám da, cần tăng cường tập luyện, đó cũng là cách thể dục cho làn da. Một số cách có thể kể đến là mát xa cho da, chăm sóc da, các bước chăm sóc ở nhà cần thực hiện đầy đủ làm sạch, dưỡng ẩm…
Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng hài hòa, uống đủ nước, bổ sung các vitamin A, C, E và các yếu tố vi lượng khác có nhiều trong các phản ứng của cơ thể như kẽm, selen, đồng... giúp chống lão hóa da.
Bên cạnh đó, nên ăn nhiều chất xơ để tăng khả năng thải độc tự nhiên của cơ thể, giúp cơ thể không tích tụ chất độc và gốc oxy tự do…