Đồng Tháp tập huấn truyền thông về bảo tồn Sếu

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lớp tập huấn về truyền thông, quảng bá phục hồi và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Sếu là một loài chim được xem là linh thiêng, quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Với người Việt Nam, sếu còn gọi là chim hạc, là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Khu vực Đông Nam Á có đàn sếu về cư ngụ.

Sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm 1985. Số lượng sếu ghi nhận được ở Tràm Chim có lúc hơn 1.000 cá thể (1.058 cá thể vào năm 1988). Từ đó đến cuối các năm 1990, Tràm Chim luôn là nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mekong. Sự hiện diện của sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn quốc gia Tràm Chim ngày nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm.

Đồng Tháp tập huấn truyền thông về bảo tồn Sếu ảnh 1
Quang cảnh Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp)

Theo TS. Trần Triết – Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sếu Đông Nam Á, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Sếu đầu đỏ phân bố trải dài từ Ấn Độ, Nepal, sang vùng Đông Nam Á và qua đến bắc Châu Úc. Sếu đầu đỏ có 3 phân loài: Sếu đầu đỏ Ấn Độ, Sếu đầu đỏ Phương Đông, Sếu đầu đỏ Úc châu; trong đó, Sếu đầu đỏ Phương Đông, có số lượng ít nhất, phân bố vùng Đông Nam Á, chủ yếu ở lưu vực sông Mekong: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.

Vườn Quốc gia Tràm Chim từng là nơi có nhiều Sếu đầu đỏ nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á, có thời điểm lên đến hơn 1.000 cá thể, tuy nhiên, hiện nay suy giảm rất mạnh. Để khôi phục Sếu đầu đỏ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032.

Đồng Tháp tập huấn truyền thông về bảo tồn Sếu ảnh 2

TS. Trần Triết – Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sếu Đông Nam Á, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin về công tác bảo tồn, phát triển Sếu đầu đỏ. Ảnh: Thành Long

Công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim không chỉ hướng đến mục tiêu sau 10 năm sẽ có 50 cá thể sếu sinh sống và có thể sinh sản tại đây và khu vực lân cận mà còn hướng đến giữ gìn hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, thông qua các mô hình sinh kế, du lịch v.v..

Về giá trị bảo tồn của Vườn quốc gia Tràm Chim, Tiến sĩ Trần Triết cho rằng, đây “hình mẫu của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười” và là giá trị quan trọng nhất của Vườn. Cùng với đó, là bảo tồn các giá trị về vùng đất ngập nước, hệ sinh thái đất phèn, vùng đồng cỏ ngập theo mùa cuối cùng của Đồng bằng sông Cửu Long, biểu tượng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp (Sen, Sếu); nơi lưu trữ carbon, góp phần mục tiêu đạt được NetZero vào năm 2050.

Đồng Tháp tập huấn truyền thông về bảo tồn Sếu ảnh 3

Sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh

Ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Tràm Chim) cho biết, Vườn Quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313 ha, là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới; được công nhận là Khu di tích quốc gia và là thành viên của Mạng lưới đường bay chim di cư Đông Á - Úc Châu (năm 2017). Nơi đây có 139 loài thực vật, trong đó cây tràm chiếm khoảng 1/3 diện tích vườn; có 104 loài chim nước, với 16 loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt là Sếu đầu đỏ.

Đề án bảo tồn Sếu sẽ thực hiện 4 phần, gồm: Hợp tác với Thái Lan nhận Sếu non đưa về Vườn Quốc gia Tràm Chim nuôi thả; phục hồi sinh cảnh sống của sếu trong vùng lõi Vườn Quốc gia; xây dựng vùng sản xuất lúa sinh thái trong vùng đệm Vườn Quốc gia; thực hiện các chương trình phát triển sinh kế, giáo dục môi trường trong khu vực huyện Tam Nông.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.