Yên Bái:

Trồng thảo quả dưới tán rừng, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phát triển cây thảo quả dưới tán rừng làm tăng thu nhập, giảm nghèo, chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xã Cao Pha là một trong những xã có diện tích cây thảo quả lớn nhất ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Với đặc thù địa lí có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, diện tích rừng còn khá lớn, là điều kiện thích hợp để cây thảo quả phát triển mạnh, trở thành một trong những cây xóa đói, giảm nghèo.

Gia đình chị Lý Thị Phếnh, người dân tộc Mông ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ là một trong những hộ có nhiều diện tích cây thảo quả được trồng từ năm 2008. Với hơn 2 ha trồng cây thảo quả dưới tán rừng, mỗi năm gia đình chị Phếnh thu hoạch từ 800 – 900 kg quả khô, với giá bán trung bình từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình chị thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Chị Phếnh chia sẻ, trước đây người dân trong xã chỉ canh tác lúa và trồng ngô nương, thu nhập bấp bênh, đói nghèo đeo bám quanh năm. Sau những năm 2000, cây thảo quả bắt đầu được một số hộ dân lấy quả về gieo trồng thử nghiệm. Nhờ phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai nên cây phát triển tốt, đặc biệt là những diện tích trồng dưới tán rừng hoặc khu vực ven khe nước có độ ẩm cao. Người dân ở đây nhân rộng diện tích bằng quả hoặc cây con, thường trồng vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

Trồng thảo quả dưới tán rừng, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thoát nghèo ảnh 1

Người Mông Mù Cang Chải vươn lên thoát nghèo từ việc trồng thảo quả dưới tán rừng.

Việc chăm sóc loại cây này cũng khá đơn giản, chỉ cần phát cỏ dại quanh gốc và để phát triển tự nhiên, không cần bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật. Đến khoảng cuối tháng 7 hàng năm là bắt đầu vào vụ thu hoạch quả, thời gian thu hoạch kéo dài đến hết tháng 10. Mỗi hecta thảo quả có thể cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm, nhờ đó đã giúp gia đình chị Phếnh và nhiều hộ dân trong xã có cuộc sống khấm khá hơn.

Cũng giống như nhà chị Phếnh, gia đình ông Sùng A Lử, ở xã Cao Phạ đã bắt đầu trồng cây thảo quả dưới tán rừng từ năm 2012. Ban đầu, ông cũng chỉ trồng vài trăm cây trên diện tích khoảng 0,5 ha. Thấy hiệu quả nên những năm sau ông tỉa cây con nhân rộng dần. Vào vụ thu hoạch, từ đầu tháng 8 cả gia đình ông đã lên rừng thu hái quả về sấy khô để bán cho thương lái. Với gần 2 ha trồng thảo quả dưới tán rừng, dự kiến năm nay ông Lử thu được khoảng 8 tạ khô, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay ở xã Cao Phạ có trên 130 ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng, mỗi năm diện tích này mang lại thu nhập từ 5-6 tỷ đồng cho bà con. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, cây thảo quả còn góp phần giữ đất, chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trồng thảo quả dưới tán rừng, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thoát nghèo ảnh 2

Mỗi năm gia đình chị Phếnh thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng thảo quả.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Đinh Thu Hường, Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết, mặc dù phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế khá nhưng chính quyền xã không tuyên truyền bà con mở rộng diện tích. Chỉ tập trung duy trì chăm sóc diện tích hiện có và chú trọng bảo vệ rừng; tránh tình trạng lợi dụng phát triển cây thảo quả để xâm lấn rừng. Bên cạnh đó, xã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn người dân liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, không để tư thương ghìm giá, ép giá.

Không chỉ riêng ở xã Cao Phạ, từ nhiều năm qua cây thảo quả đã được mở rộng diện tích tại nhiều địa phương ở huyện Mù Cang Chải như: La Pán Tẩn, Khao Mang, Púng Luông, Lao Chải...

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, để phát triển cây thảo quả gắn với việc bảo vệ rừng, ngành Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả. Phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng.

Trồng thảo quả dưới tán rừng, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thoát nghèo ảnh 3

Cây thảo quả rất phù hợp khi trồng dưới tán rừng, khu vực đất dốc nhiều đá, gần khe nước.

Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng Đề án “Quản lý cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng”. Mục tiêu cụ thể, chỉ trồng thảo quả trên diện tích rừng nhận giao khoán bảo vệ, không phát triển tự do, không phá rừng để trồng thảo quả hoặc lấy gỗ sấy thảo quả. Hình thành thói quen và nhận thức cho người dân về kinh tế rừng gắn với cuộc sống lâu dài, không gây hại đến rừng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng và góp phần giữ đất, giữ rừng.

Ngoài ra, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh để thu mua, sấy khô, chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thảo quả. Chính việc quản lý chặt chẽ các diện tích trồng thảo quả dưới tán rừng đã vừa góp phần giúp người dân duy trì diện tích, nâng cao giá trị thu nhập, vừa bảo vệ tốt diện tích rừng và môi trường sinh thái rừng.

MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: Chính phủ Pháp sụp đổ
THẾ GIỚI 24H: Chính phủ Pháp sụp đổ
TPO - Thủ tướng Pháp Michel Barnier buộc phải đệ đơn từ chức sau khi các nhà lập pháp thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) liên kết bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông.
Miền Bắc hửng nắng trước khi mưa rét
Miền Bắc hửng nắng trước khi mưa rét
TPO - Trưa chiều nay (5/12), miền Bắc hửng nắng, nhiệt độ cao nhất 25-27 độ. Dự báo từ đêm mai (6/12) miền Bắc có thể đón mưa rải rác, từ ngày 7/12 trời chuyển rét diện rộng. Các tỉnh Bắc Trung Bộ hôm nay hửng nắng, không mưa, riêng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa dông rải rác vào chiều tối, cục bộ có mưa to.