Đó là những câu chuyện của chính người dân nơi đây, những người gắn bó với rừng qua bao thế hệ. Và chính họ, đã thay đổi nếp sống, thay đổi chính sinh kế bấy lâu để bảo vệ những cánh rừng của Trung Trường Sơn - mái nhà cuối cùng của sao la.
Phát triển sinh kế bền vững cũng chính là bảo tồn
Trung Trường Sơn nổi tiếng với hệ đa dạng sinh học trù phú và độc nhất. Đây là ngôi nhà của nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm, bao gồm sao la, mang lớn, mang Trường Sơn. Độ che phủ rừng trong khu vực là từ 47% tới 68%, với hơn 2,3 triệu ha rừng tự nhiên.
Trung Trường Sơn - mái nhà chung của con người và sao la (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên) |
Miền trung Việt Nam có dân số trên 26 triệu người. Người dân nơi đây đang sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác động của các hoạt động từ phía con người bao gồm phát triển kinh tế xã hội là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái nơi đây.
Vì vậy, trong công tác bảo tồn sao la, bên cạnh việc bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, thì việc phát triển sinh kế bền vững, mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương tại Trung Trường Sơn có ý nghĩa rất quan trọng.
Làm du lịch sinh thái để giữ rừng
Đoàn của chúng tôi dừng chân tại A Lưới - chốn núi rừng trùng điệp của xứ Thừa Thiên Huế. Tại đây, chúng tôi được gặp anh Viên Đăng Phú - một chủ homestay người Tà Ôi - một tấm gương điển hình về phát triển sinh kế bền vững để giữ rừng, giữ nét văn hóa của người Tà Ôi tại Trung Trường Sơn.
Anh Viên Đăng Phú – một chủ homestay người Tà Ôi (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên) |
Anh Phú kể, cuộc sống của đồng bào Tà Ôi vẫn dựa vào rừng là chủ yếu. Vì thế mà anh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cải thiện sinh kế cho bà con dựa vào tài nguyên sẵn có mà không gây hại đến rừng.
Thế rồi anh phát triển homestay của gia đình theo hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm. Du khách đến với homestay sẽ được tham gia các hoạt động như khám phá, thám hiểm rừng nguyên sinh, cắm trại qua đêm, tắm suối nước nóng, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức các loại đặc sản của địa phương. Tất cả những dịch vụ này đều không tổn hại tới rừng.
Đi cùng anh Phú trên hành trình khám phá rừng, chúng tôi mới thấy những người làm du lịch sinh thái như anh quý rừng tới mức nào. Anh cúi xuống nhặt từng vỏ chai nước, từng vỏ bim bim, rồi cẩn thận cho vào một chiếc túi nhỏ. “Nhiều du khách chưa có ý thức bảo vệ rừng nên cứ vứt bừa ra đây. Nhìn thấy là mình không chịu được. Làm du lịch thế này mà không giữ gìn cho rừng là không được.” - Anh Phú chia sẻ.
Phát triển dịch vụ từ văn hóa
Sinh sống trên dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, người Tà Ôi đã lưu giữ một nền văn hoá đặc sắc - Những câu chuyện về rừng, về truyền thống và cuộc sống của người dân bản địa - những câu chuyện không thể tìm được ở đâu ngoài nơi đây.
Nào là câu chuyện về Zèng - những tấm thổ cẩm thiêng liêng được người phụ nữ Tà Ôi “sống thì giữ bên mình, chết thì lại mang theo.” Rồi tới câu chuyện về cái Vỹ - cái hồn của rừng được lưu giữ trong từng thân cây ngọn cỏ. Và tất nhiên, có cả những câu chuyện về sao la.
“Khoảng vào năm 2000, trong làng có một người bắt về một con sao la con. Ấn tượng lớn nhất của tôi về sao la đó là loài động vật cực dễ thương, với đôi mắt to tròn, đen nhánh. Rất tiếc con sao la dễ thương đó được dân làng xem là thức ăn và sau đó chia nhau như văn hóa của người Tà ôi chúng tôi. Nếu có một điều ước, tôi mong muốn mình được quay lại thời điểm đó và tôi sẽ cố hết sức để bảo vệ được sao la.” - anh Phú chia sẻ.
Anh Phú chỉ cho du khách cây môn thục - món ăn ưa thích của sao la (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên) |
Có lẽ, đó là lý do mà trong những chuyến khám phá cùng du khách, anh luôn có 1 điểm dừng chân cố định bên khe suối và giới thiệu cho du khách nghe về cây môn thục – loài thức ăn chính của sao la. Bởi với anh, đây là một cách anh nhắc nhở bản thân về trách nhiệm bảo vệ rừng và các loài hoang dã, là cách anh đền bù lại sự tiếc nuối của mình trong quá khứ.
Câu chuyện của anh Phú là một cảm hứng lớn để chúng tôi hy vọng vào một tương lai nơi những cách rừng được bảo vệ, nơi sao la cùng những loài hoang dã sống an toàn và yên bình trong ngôi nhà của chúng.
Hãy giữ rừng để những thay đổi không chỉ là tạm thời mà còn là kế hoạch dài hạn. Giữ rừng - bảo vệ sao la và phát triển sinh kế - đây chính là hành trình của chúng ta, một hành trình không chỉ tìm kiếm sao la mà còn là hướng đến những giá trị bền vững cho thiên nhiên và con người.
Nếu bạn có thông tin hoặc đã nghe câu chuyện liên quan đến sao la, hãy liên hệ với WWF-Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức của bạn.
Thông tin liên hệ: Đỗ Thanh Hào, Điều phối viên Dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” - điện thoại/Zalo: 0975156258