Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
08/11/2024 09:47
Ma túy mới, giải pháp nào để ngăn chặn từ sớm, từ xa?
Phát biểu mở đầu buổi toạ đàm, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, báo Tiền Phong là diễn đàn tuổi trẻ, nhìn thấy tất cả nguy cơ, tệ nạn và trong rất nhiều khó khăn, tệ nạn, nổi lên là nguy cơ ma tuý mới với giới trẻ. Do vậy chúng ta nhận diện như thế nào, có giải pháp nào để chặn từ sớm từ xa.
Theo Nhà báo Lê Minh Toản, thực trạng cách đây mươi năm, các vụ ma tuý được gọi là lớn khi bắt giữ 5-7kg, nhưng đến bây giờ có thể cả tấn. Và chúng ta nhìn ra trên thế giới các đối tượng ma tuý dùng chuyên cơ, tàu ngầm… để vận chuyển, mua bán với mức độ ngày càng kinh khủng hơn rất nhiều. Tại Việt Nam chúng ta nhìn thấy ma tuý càng ngày trẻ hoá. Ngay cổng trường, nhiều loại ma tuý chất gây nghiện đang bủa vây giới trẻ.
Như đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư đã nói về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhưng muốn vươn mình được thì thể chất, tinh thần phải khoẻ. Nhưng với một thể chất, tinh thần như vậy thì không thể khoẻ được và nguy cơ ma tuý làm băng hoại lớp trẻ trong tương lai rất sớm. Chúng ta nhìn thấy như đề dẫn của MC ma tuý đang trẻ hoá, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi. Có thể có những trẻ nhỏ tuổi hơn rất nhiều, với sự tò mò, nhận thức chưa đầy đủ người ta đến với ma tuý với sự hồn nhiên…
Vẫn theo nhà báo Lê Minh Toản, công cuộc phòng chống ma tuý lực lượng chức năng có những thành tích, thành tựu được ghi nhận, đây là cuộc chiến thực sự cam go, gian nan. Đặc biệt nước ta gần khu vực Tam giác vàng, là nơi sản xuất, nơi trung chuyển ma tuý lớn.
Đặc biệt, các dạng thức của ma tuý “muôn hình vạn trạng”, “thập diện mai phục”, như ở miền Trung, tội phạm ma tuý để chìm dưới tàu, khi bị truy đuổi dùng dao cắt, không có bằng chứng ,tang chứng, và nhiều người dân ven biển nhặt được ma tuý trên bãi cát, đây là thực trạng đáng báo động.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Trong khuôn khổ nhỏ của buổi toạ đàm Nguy cơ ma tuý mới với giới trẻ và các giải pháp phòng chống, Báo Tiền Phong không có tham vọng lớn để cắt nghĩa được hết, trình bày được hết các cạm bẫy, chiêu thức của tội phạm đối với giới trẻ, và không thể nói được hết tất cả mọi giải pháp để phòng ngừa từ sớm từ xa, bởi đây là một cuộc chiến gian nan và cần nhiều lực lượng cùng vào cuộc với hy vọng trong tương lai các em được khoẻ về thể chất, vững về tinh thần.
Nhà báo Lê Minh Toản cho biết, Báo Tiền Phong là tiếng nói của giới trẻ, do đó hy vọng trong cuộc toạ đàm ngày hôm nay cung cấp cho giới trẻ được những thông tin cần thiết. Đây cũng là việc được đơn vị làm một cách bền bỉ, thường xuyên, đa dạng với nhiều loại hình như toạ đàm, sân khấu hoá, truyền thông trên toàn bộ hệ sinh thái của báo Tiền Phong, từ báo in, báo điện tử… chúng tôi cùng với cơ quan chức năng thực hiện một cách ráo riết trong công cuộc phòng chống ma tuý đối với giới trẻ. Nhà báo Lê Minh Toản mong muốn thông qua buổi toạ đàm hy vọng những thông tin chia sẻ thực sự bổ ích, có giá trị truyền thông đối với giới trẻ.
08/11/2024 10:01
Nhóm đối tượng liên quan tới ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, từ 12-30 tuổi chiếm 46,5%
Thượng tá Lê Bá Long cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của quần chúng nhân dân, công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Thượng tá Lê Bá Long, Phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. |
Trong 3 mục tiêu cốt lõi của công tác phòng chống ma túy là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại thì công tác đấu tranh ngăn chặn giảm cung ma túy đã và đang được các lực lượng chức năng làm rất hiệu quả, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã bị triệt phá, thu giữ lượng lớn ma túy.
Tuy nhiên, với mục tiêu giảm cầu thì có thể nói đây là một thách thức rất lớn đối với toàn xã hội. Giảm cầu tức là giảm nhu cầu về chất ma túy, hay nói cụ thể là giảm số người nghiện ma túy, giảm người sử dụng trái phép chất ma túy, không để phát sinh thêm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới. Và chỉ khi nhu cầu về chất ma túy không có thì hoạt động mua bán, vận chuyển và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến ma túy theo đó cũng giảm theo.
Qua số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 227.137 (chiếm 0,23% dân số), trong đó có 63.892 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và 802 người bị loạn thần, ngáo đá do sử dụng trái phép chất ma túy đang ở ngoài cộng đồng.
Độ tuổi có xu hướng trẻ hóa, từ 12 - 30 tuổi chiếm 46,5%, từ 30 tuổi trở lên chiếm 53,5%, thậm chí riêng với người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 12 đến 30 tuổi còn chiếm đến 52,3%, cao hơn nhóm trên 30 tuổi. Tỷ lệ nam chiếm 92,6%, nữ 7,4%.
Ông Long cho biết, ma tuý nhắm tới đa dạng các nhóm đối tượng trong xã hội, tuy nhiên tập trung vào nhóm không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định chiếm 51,1%, nông dân chiếm 32,3%, các thành phần khác chiếm tỉ lệ nhỏ: học sinh, sinh viên chiếm: 0,9%, cán bộ, công chức, viên chức chiếm 0,1%, công nhân chiếm 8,6%. Trong đó chủ yếu hiện nay là ma túy tổng hợp, chiếm 50,9%, loại ma túy có nguồn gốc thuốc phiện chiếm 35%, cần sa chiếm 1,2%, sử dụng nhiều loại ma túy chiếm 12,9%.
Với số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị loạn thần, ngáo đá ở ngoài cộng đồng nhiều như chúng tôi thống kê ở trên đã tạo nên nhu cầu thị trường ma túy rất lớn và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước có tới 38 vụ án xâm phạm trật tự xã hội do các đối tượng loạn thần, ngáo đá gây ra.
Thống kê của chúng tôi về chuyên đề phòng chống tội phạm tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy trên phạm vi cả nước trong hơn 1 năm qua, tính từ tháng 2/2023 đến tháng 8/2024 cho thấy: đã xử lý, khởi tố 2.253 đối tượng về tội tổ chức và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó tội tổ chức sử dụng chiếm trên 90%; xử lý hành chính về các hành vi liên quan đến ma túy 4.571 người, trong đó đưa đi cai nghiện bắt buộc 1212 người, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 1.683 người.
Phần lớn các vụ án sử dụng trái phép chất ma túy đều được phát hiện xảy ra tại các quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, với tỷ lệ người dương tính với các chất ma túy chiếm trên 50% tổng số người bị kiểm tra tại một cơ sở.
Với số liệu như trên cho thấy, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại nước ta hiện nay vẫn đang tiềm ẩn nhiều phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
08/11/2024 10:12
Khoảng 75.000 người đã tiếp cận chương trình 'Trường học không ma túy'
Thời gian qua, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Trường học không ma túy" dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên có quy mô lớn và thực hiện bài bản. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức và kỹ năng tới học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc về Luật Phòng, chống ma túy, hiểm họa của ma túy đối với đời sống xã hội để học sinh, sinh viên hiểu biết rõ, để có cách phòng tránh. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không có học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý.
Bà Nguyễn Thị Nhung trong buổi tọa đàm |
Xin bà cho biết, đến nay, chương trình "Trường học không ma túy" dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả ra sao?
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT nhận thức rõ vai trò quan trọng công tác phòng chống ma túy trong trường học. Qua báo cáo của Thượng tá Lê Bá Long, Phó Trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an có thể thấy thấy hiểm họa lớn từ ma túy với học sinh, sinh viên. Bộ GD&ĐT phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để triển khai các giải pháp phòng chống.
Đây là cuộc thi bổ ích, thiết thực, nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức và kỹ năng tới học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc về pháp luật phòng, chống ma túy, hiểm họa của ma túy đối với đời sống xã hội, giúp các em nhận diện các loại ma túy, đặc biệt là các loại ma tuý tổng hợp núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không có học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý.
Đến ngày 08/11, chương trình đã hoàn thành 20 cuộc thi dành cho 60 trường Trung học phổ thông và 09 cuộc thi dành cho 27 trường Đại học tại 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Phòng, Điện Biên).
Cuộc thi đã thu hút được khoảng 2.500 em tham gia; khoảng 35.000 HSSV dự cổ vũ; khoảng 75.000 người tiếp cận, theo dõi cuộc thi trên fanpage: "Trường học không ma tuý" và trên 02 triệu lượt người theo dõi các phần thi đăng trên fanpage "VTV2 chất lượng cuộc sống".
Tới đây, Cuộc thi chung kết dành cho 03 trường Đại học đại diện 3 miền Bắc Trung, Nam tại Hà Nội (địa điểm Trường Đại học Thăng Long) vào ngày 09/11 và 01 chương trình Gala tổng kết vào ngày 22/11 tại Đài THVN (sân khấu ngoài trời).
08/11/2024 10:21
Nhiều bạn trẻ "dính" ma túy vì muốn thể hiện và chưa đủ bản lĩnh
Từ thực tế môi trường sống xung quanh và học đường, em nhận thấy bản thân và bạn bè gặp phải những nguy cơ nào từ ma tuý?
Phạm Nhật Huy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết giới trẻ có 4 nguy cơ từ ma túy.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn có sự tò mò. Nếu sự tò mò được tiếp cận đúng cách, các bạn sẽ tiếp cận thông tin bằng việc tham gia các buổi tư vấn, truyền thông về cách phòng chống, ma túy.
Nhưng nhiều bạn giải đáp sự tò mò không đúng cách bằng phương pháp thử nghiệm. Nhiều bạn nghĩ chỉ thử một lần nhưng không biết là, thử lần 1 sẽ có lần 2, lần 3 rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.
Nguy cơ thứ 2 là là nhiều bạn muốn thể hiện bản thân, thể hiện chất chơi của tuổi trẻ. Vì vậy có thể lựa chọn vào quán bar thử để chụp ảnh, đăng facebook…
Bạn Phạm Nhật Huy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Nguy cơ thứ 3 là sự xuất hiện của các loại ma túy mới. Hồi nhỏ em cũng đã được giáo dục và được nhắc nhở: ma túy có thể được hòa vào cốc nước uống, trộn vào thức ăn từ những người lạ. Nhưng hiện nay, ma túy mới xuất hiện dưới nhiều hình thức. Nên em hi vọng được truyền thông nhiều hơn, kịp thời nắm bắt thông tin để bản thân và thông tin tới các bạn phòng tránh.
Nguy cơ cuối cùng là yếu tố tâm lí. Sinh viên chưa có đủ bản lĩnh để đối mặt với những sự cố không mong muốn như trượt môn, thất tình... Lúc đó, tâm lí của họ rơi vào trạng thái chán nản trong khi không phải ai cũng làm thêm. Có bạn sẽ tìm cách giải tỏa. Có bạn tìm được môi trường tốt, người tốt nhưng có bạn sẽ gặp người không tốt, môi trường không tốt. Khi đó, cùng với tâm lí không vững, rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội trong đó có ma túy.
Sau khi nghe chia sẻ của Phạm Nhật Huy - sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Thượng tá Lê Bá Long cho biết thêm, qua công tác đấu tranh tội phạm ma tuý cho thấy hiện nay xuất hiện ma tuý núp bóng thực phẩm, đồ uống… Do đó, lứa tuổi học sinh thường không để ý dẫn đến 2 trạng thái sử dụng là chủ động và bị động.
Thượng tá Long nhấn mạnh, nhiều sinh viên mắc phải trạng thái bị động khi sử dụng ma tuý dẫn đến chủ động. Cụ thể, các em đi liên hoan, sinh nhật… khi tham gia vào các cuộc vui mặc dù không chủ động sử dụng ma tuý nhưng sau đó lại bị dụ dỗ rồi cuốn theo sử dụng trở thành chủ động mà không hay biết.
Thậm chí, khi ngồi uống nước trong các cuộc liên hoan, có thể người khác đã trộn nước vui, bột cam, bột xoài… có chứa ma tuý vào cốc nước lúc mình rời ghế. Đến khi bị kiểm tra thì dương tính với ma tuý và đối với hành vi đó tại trường học có thể bị tạm dừng học. Đây là hệ luỵ, là vấn đề giới trẻ phải cảnh giác trong các mối quan hệ.
Hiện tại trường Đại học Bách Khoa có các Tổ tư vấn tâm lý học tập cho sinh viên, ở đó thầy cô tuần nào cũng tổ chức tư vấn cho từng sinh viên hoặc tư vấn theo nhóm, sinh viên có khó khăn, vướng mắc có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Em thấy mô hình này rất hay, cần nhân rộng thêm.
Đối với ma túy, em cho rằng cần phải tuyên truyền hơn nữa cho sinh viên tại trường. Ngoài ra, đối với người trẻ đã nghiện, chúng ta nên tuyên truyền, giúp đỡ các bạn vượt qua khó khăn chứ không chỉ lên án hoặc chỉ trích họ.
Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong:
Báo Tiền Phong là diễn đàn của giới trẻ, là tiếng nói của cơ quan Trung Ương đoàn.
Như thượng tá Lê Bá Long thống kê, tất cả các số liệu về ma túy anh đưa ra thật ám ảnh. Chúng ta phải truyền thông làm sao cho giới trẻ vừa nhận thức được tác hại của ma túy, lại vừa nhận diện được nó. Đây là công cuộc tuyên truyền bền bỉ, gian nan, dài lâu.
Tác hại thì chúng ta thấy, đó là trộm cắp, cướp bóc, giết người, rồi kinh tế suy thoái, thể chất suy kiệt, tinh thần băng hoại, bệnh xã hội. Nếu chúng ta không có phương án đề phòng, trong tương lai sẽ có lớp trẻ “vật vờ”.
Nhìn xung quanh có thể người thân, con cái, bạn bè đã vướng vào tệ nạn này. Một thứ tệ nạn có thể làm suy kiệt với gia đình, ảnh hưởng cả dòng họ.
Với Báo Tiền Phong, chúng tôi sẽ tiên phong cố gắng mức cao nhất phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống ma túy, nhà trường, để làm sao ngăn chặn được từ sớm, từ xa. Sẽ tuyên truyền cho người trẻ nhận thức được “đó là ma túy” trong hơn 500 loại ma túy vừa công bố, phải biết được tác hại của nó. Đồng thời, tuyên truyền mạnh các chuyên án của lực lượng chức năng, hy vọng giúp giảm cung, giảm cầu.
08/11/2024 10:28
Xuất hiện loại ma túy mới có thể thẩm thấu qua da, làm hơn 100 nghìn người chết tại Mỹ
Thượng tá Lê Bá Long: Ma túy là “các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.
Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ đã đưa vào danh mục quản lý 557 chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và 60 tiền chất. Tiếp theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17/7/2024, bổ sung thêm 15 các chất vào các Danh mục các chất ma túy. Như vậy, hiện nay tổng số danh mục quản lý là 572 chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và 60 tiền chất.
Hiện nay đang phổ biến một số loại ma túy và phân theo 2 nhóm ma túy: Nhóm ma túy có nguồn gốc tự nhiên: thuốc phiện, Heroin, Morphin, cocain, cần sa; Nhóm ma túy tổng hợp: Ketamine, ma túy đá, Thuốc lắc mà thành phần chính của ma túy đá và thuốc lắc là methamphetamin và amphetamine, tinh dầu cần sa tổng hợp, nước vui, các loại ma túy núp bóng dưới dạng thực phẩm.
Ngoài ra, theo báo cáo của cục điều tra liên bang Mỹ, hiện tại Mỹ xuất hiện loại ma túy mới có tên gọi là Fentanine, loại ma túy này đã làm cho hơn 100 nghìn người chết tại Mỹ trong năm 2023, đây là loại ma túy cực độc, chỉ với 0,02 miligam có thể gây chết người, đặc biệt là chúng có thể thẩm thấu qua da và gây cho người tiếp xúc bị nhiễm độc và tử vong.
Tác hại của ma tuý đối với bản thân người sử dụng:
Trước hết, chúng ta phải nhận thức được, ma túy là chất độc, thậm chí nhiều loại ma túy thuộc chất độc bảng A. Ma túy được đưa vào cơ thể qua các đường: Hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích, uống.
Đối với bản thân người sử dụng ma tuý gây tổn hại về sức khoẻ như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.
Với xã hội, hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch; Ma tuý là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc...)
08/11/2024 10:47
Người chuẩn bị đĩa sứ, ống hút, bật lửa, kim tiêm... được coi là đồng phạm
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi vi phạm các quy định về phòng chống ma túy gồm những hành vi sau: hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý; môi giới, giúp sức, hoặc có hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy; cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua bán, trái phép chất ma túy; vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất; hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma túy; hành vi sản xuất trái phép các chất ma túy; hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy; hành vi mua bán trái phép chất ma túy; hành vi chiếm đoạt trái phép chất ma túy; hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Về hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức khi có các hành vi vi phạm trên: có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Xử phạt hành vi vi phạm hành chính: có thể bằng hình thức phạt tiền, cảnh cáo.
Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm mà có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất; Các hình thức khắc phục hậu quả khác; Đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Xử lý hình sự: tùy vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội của đối tượng và vật chứng thu thu giữ mà người phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn với khung thấp nhất nhất là từ 6 tháng đến 3 năm, và có thể lên khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình đối với các tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội tàng trữ; tội vận chuyển; tội mua bán; tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy;
Các bậc cha mẹ và các bạn trẻ nên chú ý, đó là các hành vi liên quan đến sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt từ từ 2 năm đến 7 năm.
Vậy hành vi tổ chức ở đây là như thế nào: gồm hành vi như chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị cung cấp trái phép chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, mời gọi, tìm người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thượng tá Long lấy ví dụ việc chuẩn bị địa điểm, chuẩn bị dụng cụ như: đĩa sứ, ống hút, bật lửa, kim tiêm để sử dụng trái phép chất ma túy theo sự chỉ đạo của người khác thì coi là đồng phạm của tội danh này. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ đã không hiểu, không biết và xem việc đó là bình thường. Nhiều bạn trẻ có mối quan hệ rộng, và các mối quan hệ đó hoàn toàn tự nhiên, không có kinh nghiệm để kiểm chứng, sẵn sàng tham gia vào các cuộc vui, sinh nhật.
Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy lợi dụng việc này tìm cách đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác mà bản thân người sử dụng chất ma túy không hay biết mình đã sử dụng ma túy từ lúc nào.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại ma túy núp bóng mà các đối tượng hay gọi là nước vui, đông trùng hạ thảo, thuốc lá điện tử có pha, tẩm cần sa tổng hợp, hoặc các thực phẩm đồ ăn, thức uống có pha trộn một lượng chất ma túy vào, bản chất đó là ma túy tổng hợp được các đối tượng ngụy trang dưới các tên gọi khác để che giấu hành vi phạm tội và cũng là để tạo sự tò mò, khám phá của các bạn trẻ.
Chính vì điều này, trong các cuộc vui, sinh nhật, liên hoan, sau khi các bạn đã sử dụng rượu bia, đối tượng đã bí mật pha các loại ma túy này vào nước ngọt, bia, đồ uống khác để mời hoặc cho người khác sử dụng.
Đây là một trong những vấn đề mà các bậc cha mẹ có con ở trong độ tuổi đang tập làm người lớn, học sinh, sinh viên cần lưu ý, hay việc các bạn mời nhau hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, có thể ban đầu chỉ nghĩ đơn thuần là để thử cảm giác, tò mò, nhưng các bạn có biết rằng, trong những điếu thuốc lá đó là cần sa tổng hợp và khi sử dụng nhiều sẽ gây nghiện.
08/11/2024 10:53
Sẽ thành lập câu lạc bộ phòng chống ma túy trong trường học
Bộ GD&ĐT có giải pháp, đề xuất như thế nào để cùng phối hợp với các đơn vị liên quan, cụ thể là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công An) để phòng chống nguy cơ ma túy thâm nhập học đường?
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT: Năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có phê duyệt đề án công tác phòng chống ma túy đến 2025. Hiện thực hiện đề án của chính phủ đến năm 2030, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để thực hiện.
Để triển khai hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý - Bộ Công An và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai một số nhóm giải pháp, cụ thể như sau:
Chỉ đạo các nhà trường phổ thông có kế hoạch thực hiện công tác phòng chống ma túy tăng cường, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho học sinh.
Nâng cao công tác tuyên truyền. Qua chia sẻ của em Phạm Nhật Huy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thì sinh viên còn thiếu nhiều hiểu biết tác hại của ma túy. Tuyên truyền quy định của pháp luật với hình thức đa dạng. Ngoài tổ chức tuyên truyền còn đổi mới hình thức như tọa đàm, các cuộc thi.
Chỉ đạo các nhà trường thành lập câu lạc bộ phòng chống ma túy, nói không với ma túy.
Nhóm giải pháp 2: tích hợp phòng chống ma túy trong nhà trường. Với trường phổ thông vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đối với các các cơ sở giáo dục đại học: lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học, năm học và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Nhóm giải pháp 3: nâng cao năng lực cho các thành viên tuyên truyền: tài liệu hướng dẫn phù hợp với từng cấp học.
Hằng năm chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống ma túy vào đầu năm học và trong Tháng cao điểm phòng, chống ma túy (tháng 6) cho học sinh sinh viên; tăng cường công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ giáo viên các cấp về công tác phòng, chống ma túy; phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6; tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy tại các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên.
Tăng cường phối hợp với Bộ công an, chỉ đạo sở phối hợp với sở công an về phòng chống ma túy. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt cho cán bộ giáo viên các nhà trường, học sinh, sinh viên ký cam kết không sử dụng trái phép chất ma túy; không có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em phòng ngừa, tránh xa tệ nạn ma túy.
Đưa nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy; xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm.
Tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công An và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục triển khai Cuộc thi "Trường học không ma túy" dành cho học sinh, sinh viên và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy trong học sinh, sinh viên.
Đẩy mạnh công nghệ thông tin trong phòng chống ma túy cũng là giải pháp được tính đến, an toàn trên không gian mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên cốt cán để thực hiện tuyên truyền, phối hợp để học sinh, sinh viên có cách phòng tránh.
08/11/2024 10:56
Tội phạm ma túy sử dụng công nghệ 4.0 để tiếp cận học sinh, sinh viên
Thượng tá Lê Bá Long cho biết, cùng với xu hướng phát triển chung của xã hội, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ 4.0 thủ đoạn hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy cũng rất tinh vi. Chúng tạo lập nhiều hội nhóm kín, công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Whatsapp... để quảng cáo, chào bán, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán hạt giống, hướng dẫn cách trồng chăm sóc cây có chứa chất ma túy, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng, cho các bậc cha mẹ trong việc kiểm soát con em mình.
Trước thực trạng trên, thời gian tới lực lượng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung, cách thức tuyên truyền để tạo sự chú ý, thu hút người theo dõi; tuyên truyền về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, nhất là các thủ đoạn của tội phạm khi sử dụng không gian mạng để hoạt động phi pháp;
Thứ hai, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để những trang thông tin, hội nhóm lợi dụng không gian mạng để đăng tin bài quảng cáo, mua bán trái phép chất ma túy, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trên các nền tảng mạng xã hội, internet.
Thứ ba, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh triệt phá các tổ chức, cá nhân, hội nhóm lợi dụng không gian mạng để hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng này.
Theo thượng tá Lê Bá Long, để công tác phòng, chống ma tuý đạt được hiệu quả tốt, đem lại sự an toàn, hạnh phúc, bình yên cho mọi gia đình, hơn lúc nào hết, lực lượng chức năng trên mặt trận này luôn cần sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về mọi mặt, mà trước hết là sự quan tâm, giáo dục, quản lý, chăm sóc chu đáo cho chính con em, người thân của mình để tránh xa tệ nạn ma tuý, mỗi gia đình không ma tuý thì tổ dân phố, xã, phường, và cả xã hội sẽ không ma tuý.
08/11/2024 11:03
Báo Tiền Phong là một trong những "mũi nhọn" sắc sảo góp phần đẩy lùi ma túy trong giới trẻ
Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập cho biết: Sau khi nghe các chuyên gia nói về ma túy, chúng ta thấy nó kinh hoàng như “ma trận” và phải cảnh giới. Bây giờ chúng ta nhận thức về ma túy giống như phải hiểu thứ “người ta mời chúng ta đấy là gì?”. Khi chúng ta đốt một điếu thuốc, hút một điếu lá điện tử nhưng họ phối trộn vào thứ gì đó chúng ta không thể biết.
Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến khó khăn, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, từ gia đình, xã hội, nhà trường. Chúng ta phải có “hợp đồng tác chiến”, mũi nào cũng sắc sảo…
Ma túy đã len lỏi vào cả trường học ở cấp Tiểu học, sau này còn lên Trung học và các cấp khác nữa, toàn bộ mối liên hệ cứ chồng chéo thật sự rất khó phòng.
Qua một thời gian rất ngắn từ chia sẻ của các chuyên gia, ta thấy càng chia sẻ thế nào thì ta cũng thấy được trách nhiệm của mình trong đó. Với Báo Tiền Phong hiện tại, báo in một ngày xuất bản khoảng 20.000 bản, các trang điện tử lượng view từ 16 - 18 triệu, nếu chúng ta phủ đầy hết thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng vừa phòng, vừa chống, chắc chắn rất hữu hiệu.
Xin cảm ơn các vị chuyên gia hôm nay !
08/11/2024 13:25
Báo Tiền Phong đồng hành, tiên phong trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy
Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong (đứng giữa) và các khách mời tọa đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho thấy, năm 2024, nguồn cung ma túy toàn cầu tiếp tục tăng. Tội phạm ma túy mở rộng hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, tính liên kết ngày càng chặt chẽ, khó phát hiện.
Khu vực “Tam giác vàng”, cách biên giới Việt Nam chưa đầy 500km, không chỉ là nơi sản xuất các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện và heroin mà đã trở thành “công xưởng” sản xuất ma túy tổng hợp lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam, tuyến đường biển, hàng không và bưu điện. Qua công tác đấu tranh cho thấy có sự chuyển dịch tuyến vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trong khi đó, tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp. Địa điểm sử dụng ma túy không còn là các quán bar, vũ trường, mà kín đáo hơn như chung cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Thống kê đến tháng 8, cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70-75% người trong độ tuổi 17-35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Trước thực trạng nhức nhối nêu trên, Báo điện tử Tiền Phong phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công An) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Nguy cơ ma túy mới với giới trẻ và các giải pháp phòng chống” lúc 9h, ngày 8/11.
KHÁCH MỜI TỌA ĐÀM
- Thượng tá Lê Bá Long, Phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an.
- Bà Nguyễn Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên.
- Em Phạm Nhật Huy – Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các diễn giả sẽ giải đáp những vấn đề mà bạn đọc báo Tiền Phong quan tâm liên quan đến các nguy cơ ma túy trong giới trẻ, nhất là sự xuất hiện của các loại ma túy mới dưới những hình thức mới; các giải pháp phòng chống tại gia đình, nhà trường và xã hội.