Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý đến việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, sáng 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư cho biết, trong gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển vì chúng ta có Hiến pháp và thực thi thành công Hiến pháp và pháp luật.

Tổng Bí thư nhìn nhận, hệ thống pháp luật đã được hình thành tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được pháp luật bảo vệ…

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp ảnh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ, ngành tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH Trung ương về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư cho rằng, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật có phần trách nhiệm quan trọng của Bộ, ngành tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền phần lớn chỉ dừng ở chủ trương, chưa thể hiện nhiều trong các văn bản pháp luật, chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính còn hạn chế.

Ngoài ra, dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển...

Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, Tổng Bí thư lưu ý đến việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

Đối với đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ.

Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý về yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật. Trong đó, cần bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật. Đồng thời bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp ảnh 2

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu, phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, Tổng Bí thư đề ra 4 nhiệm vụ cụ thể, gồm:

Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.

Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.