Chuyển đổi số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nỗ lực thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động, kết nối, khai thác dữ liệu nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Xoay quanh nội dung này, Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hữu Hiền - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phóng viên: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 968/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024. Đến nay việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa đồng chí ?

Ông Đỗ Hữu Hiền: Năm 2024 với chủ đề là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, đến nay việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) tỉnh đã đạt được một số kết quả: Về số hóa các ngành kinh tế: Trong lĩnh vực y tế, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp Bảo hiểm Y tế trong khám chữa bệnh, triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa và kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác.

Ởlĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, đang sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong thi công, khảo sát địa hình mặt đất và chạy phần mềm Globalmapper, CHC, Agisoft metashape professional trên máy tính cấu hình cao để xử lý ảnh. Đồng thời đang biên tập bản đồ bằng phần mềm AutoCad; biên tập bản đồ rồi kiểm tra và đánh giá kết quả đo vẽ. Ở lĩnh vực du lịch, đã xây dựng xong phần mềm và đang triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nộp báo cáo theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL trên hệ thống phần mềm. Tính tới ngày 24/9/2024, có 476 cơ sở lưu trú nộp báo cáo trên phần mềm; đã xây dựng xong dashboard tổng hợp báo cáo số liệu dành cho lãnh đạo.

Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, Sở Tài chính đã xây dựng hệ thống để lấy (import) dữ liệu từ hệ thống Kho thu chi ngân sách nhà nước và tự động kết nối, chia sẻ dữ liệu qua API với Hệ thống IOC tỉnh. Các dữ liệu được chia sẻ gồm: thu ngân sách nhà nước, thu về dầu khí, thu thuế xuất nhập khẩu, thu nội địa, tổng thu ngân sách địa phương được hưởng, chi đầu tư phát triển do địa phương quản lý.

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ảnh 1

Người dân được hướng dẫn thực hiện thủ tục trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đến nay, 86% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh được số hóa, xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; 76% nghiệp vụ Ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; 78% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số.

Ở lĩnh vực Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 2 doanh nghiệp công nghệ số từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Công Ty TNHH Công Nghệ Densoft; Công Ty TNHH Sản Xuất Phần Mềm Blocksoft).

Ở lĩnh vực Công Thương, Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, bộ phận một cửa rà soát, tổng hợp danh sách các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý (Tên đơn vị, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email), trong đó thể hiện rõ thời điểm giấy phép/giấy chứng nhận của tổ chức, doanh nghiệp hết hiệu lực. Ngoài ra, Sở Công Thương đã tạo địa chỉ mail brvtsocongthuong@gmail.com để thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có giấy phép/giấy chứng nhận của tổ chức, doanh nghiệp hết hiệu lực trong Quý III và IV/2024.

Về công nghiệp công nghệ thông tin: Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các sở ngành liên quan tổ chức triển khai dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu công nghiệp kiểu mẫu/Khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành Khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án tại Quyết định 2235/QĐ-UBND ngày 19/8/2024.

Về quản trị số: Hiện Sở đang duy trì, vận hành Phần mềm Chỉ đạo điều hành phục vụ chỉ đạo của UBND tỉnh; Nền tảng Phân tích xử lý dữ liệu tỉnh; Trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; Trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành thử nghiệm hệ thống Giám sát An ninh mạng (SOC).

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã được triển khai, tổ chức quản lý, vận hành, đưa vào khai thác, sử dụng đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Đến nay, đang duy trì, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Tổng hợp công tác thanh tra, kiểm tra; Quản lý kê khai tài sản thu nhập cho CBCCVC; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính v.v... vận hành thử nghiệm Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ảnh 2

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Về chính quyền số: Phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin; thành viên Đội ứng cứu sự cố của tỉnh; Tổ chuyên trách ATTT tỉnh tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin, ứng cứu sự cố tỉnh năm 2024 với Hệ thống mục tiêu là phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành. Đã triển khai thí điểm ngày không tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính bản giấy tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Đã đưa vào vận hành Mini app Zalo để thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 25/4/2024 đến ngày 10/10/2024, đã có khoảng 98.453 người dùng mini app BR-VT Smart, tạo ra gần 115.239 lượt truy cập và Đang vận hành thử nghiệm App dịch vụ công trực tuyến “DVC Bà Rịa - Vũng Tàu” phục vụ người dân, doanh nghiệp và đưa vào vận hành chính thức trong tháng 11/2024. Triển khai Xây dựng ứng dụng (app) để đánh giá, đo lường và phản ánh khách quan thực trạng phồn vinh, hạnh phúc của người dân theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU và Quyết định số 1400/QĐ-UBND. Hiện App đang chạy thử nghiệm nhằm cập nhật dữ liệu đánh giá của các địa phương.

Về kinh tế số: Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến trong xã hội. Đẩy mạnh sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử gắn với phát triển kinh tế số.

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị chia sẻ về tác động của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội với cán bộ chủ chốt, lãnh đạo sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp trong tỉnh. Phối hợp với Cục Chuyển đổi quốc gia tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về bồi dưỡng, tập huấn cập nhật, hướng dẫn sử dụng cho 503 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 3.000 thành viên trên địa bàn tỉnh vào ngày 27/9/2024.

Phóng viên:Chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, thì cũng có những khó khăn, thách thức theo đồng chí vấn đề tồn tại đó là gì ?

Ông Đỗ Hữu Hiền: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện CĐS vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ hồ sơ trực tuyến từ xa của các địa phương đạt hơn 50%, nhưng chưa thực chất, hiệu quả, vẫn còn tình trạng một số công chức, viên chức làm thay người dân. Hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2024 đều không hoàn thành do vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 82/2024/NĐ-CP mới ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2024.

Rất ít cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa và khuyến khích người dân tái sử dụng chức năng này, từ đó vẫn còn tồn tại việc yêu cầu người dân cung cấp lại giấy tờ, hồ sơ.

Hiện Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 112/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh chưa được thông qua, do đó còn 05/12 nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Phóng viên: Để công cuộc chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu, tạo ra bước chuyển mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho tỉnh những giải pháp trọng tâm gì?

Ông Đỗ Hữu Hiền: Trước những tồn tại, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tái sử dụng kết quả đã được số hóa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, hướng đến không yêu cầu người dân cung cấp lại giấy tờ, hồ sơ đã được số hóa. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị cấp huyện triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp xã, khu phố, thôn, ấp, hướng tới hiệu quả; trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản, tiêu biểu như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn thêm kỹ năng số cơ bản khác như sử dụng nền tảng số đặc thù của địa phương trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, Du lịch, Logistics, Y tế, Giáo dục,...

Đưa vào vận hành chính thức App dịch vụ công trực tuyến “DVC Bà Rịa - Vũng Tàu” và duy trì Mini app Zalo nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến được dễ dàng, thuận lợi. Nghiên cứu, đề xuất đưa vào vận hành chính thức ứng dụng (app) để đánh giá, đo lường và phản ánh khách quan thực trạng phồn vinh, hạnh phúc của người dân.

Tham mưu chủ trương về đầu tư mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin triển khai “Nâng cấp, mở rộng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh” theo hướng đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, thân thiện với người dùng. Phấn đấu trong năm 2024, đưa vào vận hành 200 trạm 5G phục vụ người dân, khách du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn đồng chí

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.