Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng

TPO - Bao quanh bởi những dự án đô thị, nhưng dân làng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn kiên quyết đấu tranh để giữ lại những hecta rừng thiêng còn sót lại đã gắn bó hàng trăm năm với dân làng. Không chỉ là “lá phổi xanh”, bên trong rừng Trung Sơn là những di tích lịch sử quý giá, dân làng tâm niệm giữ cây, bảo vệ rừng là giữ lại màu xanh, là của để dành vô cùng giá trị cho thế hệ mai sau.

Rừng thiêng Trung Sơn giữa lòng Đà Nẵng. (Video: Nguyễn Thành)

Rừng thiêng và những điều cấm kỵ.

Thôn Trung Sơn nằm bên đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) giao với đường vành đai. Xung quanh, cốt nền các dự án đã được nâng, khiến cả khu rừng xanh mướt như nằm lọt giữa những khu đô thị mới.

Giữa nắng, ông Hà Thúc Vinh, 53 tuổi, Trưởng thôn Trung Sơn dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu rừng thiêng, là báu vật quý giá của dân làng. Ông Vinh cho biết: Rừng Trung Sơn có từ hàng trăm nay và gắn bó với cuộc sống người dân qua nhiều đời. Bên trong, dưới những tán rừng là hàng loạt khu di tích tâm linh gắn bó với đời sống dân làng Trung Sơn.

Đó là đình làng hàng trăm năm tuổi trầm mặc nép mình dưới những thân cây cổ thụ, rợp bóng mát. Là miếu Bà Ngũ Hành linh thiêng trong đời sống tâm linh của dân làng được bao quanh là những tán cây lớn. Là Nghĩa trủng Trung Sơn nơi an nghỉ của gần 200 nghĩa sĩ, dân sinh hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại bang xâm nhập, nằm dưới rừng cây phủ màu xanh. Là di tích giếng Chăm cổ còn sót lại nơi cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng trong vùng trước khi nước thủy cục được đưa về đây…

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 1

Rừng Trung Sơn mảng xanh giữa đô thị Đà Nẵng được người dân giữ gìn.

Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây, quanh khu vực này có nhiều khu rừng như Xuân Thiều, Thanh Vinh, Vân Dương, nhưng tất cả đều bị quân Mỹ cày ủi bình địa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng Trung Sơn là nơi dân làng nuôi giấu, chở che cán bộ. Bên trong rừng có 65 hầm, hào, công sự do bộ đội đào để đánh địch.

Quân địch thấy rừng có nhiều bộ đội, cán bộ cách mạng nên đã tìm mọi cách để phát quang, dùng nhiều biện pháp để rừng không còn, hòng đàn áp cách mạng, nhưng dân làng Trung Sơn đã đồng lòng kéo ra kiên quyết giữ rừng. Đây được coi là chiến công lớn của quân và dân làng Trung Sơn trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 2

Ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn Trung Sơn.

Ông Vinh cho biết, với dân làng Trung Sơn bao đời nay rừng thiêng này là báu vật, con cháu nhắc nhau gìn giữ qua nhiều thế hệ. Dân làng có hẳn hương ước để bảo vệ rừng. Trong đó, dân làng coi đây là rừng cấm, bất khả xâm phạm. Bao đời nay, dân làng có các quy định rõ ràng như: không được phép vào rừng chặt cây, đốn củi mà chỉ được lấy cây khô, lá rụng. Để giữ rừng, ngăn “cát tặc” làng cũng cấm luôn việc không được lấy cát để làm nhà. Đồng thời, cấm người chết không chôn trong rừng Trung Sơn…

“Hương ước là để cấm với người ngoài, còn với dân làng này, bao đời nay không ai dám đụng đến rừng thiêng”, ông Vinh cho biết.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 3

Miếu Bà Ngũ Hành nằm giữa rừng cây ở Trung Sơn.

Nắng chói chang, bước vào khu đình làng Trung Sơn mát dịu bởi cây những cây cổ thụ phủ kín tạo nên khung cảnh huyền bí. Ngay lối vào đình làng là những “cụ” đa thân xù xì, rễ dài từ cao thả xuống, phủ cả một khoảng đất. Cách đó không xa, ngược lên phía đồi cao, dưới những tán rừng phi lau là miếu âm hồn, liền kề là Nghĩa trủng với những dãy dài mộ tập thể. Tất cả đều được cây rừng che chở nên dù đã xuống cấp nhưng qua bao trận bão táp, cuồng phong những di tích vẫn đứng vững. Theo năm tháng, rêu phong bao phủ khiến di tích giữa rừng già thêm linh thiêng.

“Hàng năm, cứ vào 25 tháng Chạp và ngày 14/4 âm lịch, dân làng tụ họp đông đủ để làm lễ tế âm linh, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ vì nước vong thân. Đây trở thành nét đẹp văn hóa của dân làng Trung Sơn. Bao thế hệ con cháu của dân làng, đi làm ăn xa đều nhắc nhớ nhau đi về để dâng hương tưởng niệm”, ông Vinh cho biết.

Bằng mọi giá phải giữ lại rừng

Rừng Trung Sơn hiện tại còn 13ha, ông Vinh cho hay, để nguyên vẹn được diện tích này là cả một quá trình dân làng kiên quyết đấu tranh để giữ rừng trước “cơn lốc” của đô thị hóa. Với dân làng Trung Sơn giữ rừng là ước nguyện của bao thế hệ dân làng truyền nối nhau, người đi xa dặn người còn sống, trước sau một lời răn phải giữ lấy rừng thiêng.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 4

Nghĩa trủng Trung Sơn nơi yên nghỉ của gần 200 nghĩa sĩ, dân sinh hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại bang.

Ông Vinh nhớ lại, thời điểm năm 2015, khi các dự án công bố quy hoạch ở khu vực này, dân làng đã đồng lòng nói lên tiếng nói của mình bằng những lá đơn gửi cơ quan chức năng từ thành phố đến Trung ương chỉ để xin giữ lại rừng Trung Sơn làm di tích cho con cháu sau này.

Nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, người dân cũng trực tiếp bày tỏ nguyện vọng được giữ rừng, giữ lại những di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, ý nghĩa thiêng liêng cho hệ hệ sau. Tiếng nói của dân làng được lãnh đạo các cấp lắng nghe và đã có những điều chỉnh để giữ lại diện tích rừng Trung Sơn giữa bốn bề đô thị. Với người dân đó là một ứng xử văn minh với tiền nhân, với vùng đất, khu rừng chứa trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao không gì đo đếm được.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 5

Giếng Chăm cổ ở làng Trung Sơn.

Ông Vinh đọc tên những dự án quanh rừng Trung Sơn như khu tái định cư nam đường Nguyễn Tất Thành, dự án khu đô thị Golden Hils, dự án kênh thoát nước, trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, đường vành đai… Trong số đó, có các dự án chưa hoàn thiện nhiều dự án còn chậm triển khai đang khiến cuộc sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng, kéo dài nhiều năm nay. Dân làng mong sao các dự án triển khai không xâm phạm đến rừng, dự án làm bài bản, khoa học, hài hòa giữa câu chuyện phát triển và gìn giữ những giá trị tốt đẹp cho mai sau.

“Không chỉ là lá phổi xanh, rừng Trung Sơn hàng trăm năm tuổi, bên trong là những di tích văn hóa, lịch sử có giá trị nếu mất đi sẽ khiến bao thế hệ đau lòng, sẽ có lỗi với bao thế hệ tiền nhân. Ông cha không tiếc máu xương đã đấu tranh giữ rừng nuôi cách mạng, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm gìn giữ, bằng mọi giá phải giữ rừng lại cho mai sau để giáo dục tinh thần yêu nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng cho thế hệ trẻ”, trưởng thôn Trung Sơn bộc bạch.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 6

Đình làng Trung Sơn cổ kính giữa rừng cây.

Kể say sưa câu chuyện về rừng thiêng, ông Vinh vui mừng cho biết, mới đây lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã trực tiếp đến khảo sát rừng Trung Sơn và đã chỉ đạo huyện Hòa Vang lập dự trù kinh phí và có quy hoạch theo hướng giữ lại di tích. Điều này mở ra cơ hội cho các công trình thiết chế văn hóa, lịch sử nằm trong rừng Trung Sơn được xếp hạng di tích cấp thành phố...

Chỉ tay về phía những bức tường đã mục, sắp đổ sập ở khu miếu âm linh trong rừng Trung Sơn, ông Vinh cho biết: Hiện nay trong vùng quy hoạch cụm di tích đang còn một số hộ dân chưa được di đời sống khó khăn do thường xuyên ngập nước. Nhiều hạng mục tại các di tích đang xuống cấp, cần được sửa chữa.

"Dân làng Trung Sơn mong muốn thành phố nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần giữ rừng, trùng tu bảo tồn, phục hồi các di tích lịch sử. Có như vậy rừng Trung Sơn mới mãi là “lá phổi xanh” của thành phố", ông Vinh cho biết.

Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 7Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 8Cả làng cùng giữ rừng thiêng giữa lòng Đà Nẵng ảnh 9

Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở rừng Trung Sơn.

Tin liên quan