Hình ảnh vụ tấn công. (Nguồn: Facebook) |
Trong bài đăng trên Facebook, cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho biết: “Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái FPV ở Tyotkino đã đốt cháy thiết bị liên lạc và phá hủy một xe quân sự do các sĩ quan tình báo Ukraine phát hiện, cũng như một tòa nhà tập kết các binh sĩ Nga ở Tyotkino".
Cuộc tấn công ở tỉnh Kursk của Nga được thực hiện bởi nhóm tấn công và trinh sát Vidmak thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, phối hợp với lực lượng từ Cục Biên phòng Nhà nước và Phòng thủ Lãnh thổ Ukraine.
Ukraine phá huỷ trực thăng 'huyền thoại' Mi-8 của Nga
Trực thăng Mi-8. (Ảnh: Tass) |
Một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga đã bị phá huỷ tại tỉnh Kharkiv, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.
Mi-8 là mẫu trực thăng thời Liên Xô, thường được sử dụng làm máy bay vận tải của quân đội Nga và các cơ quan chính phủ. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng cho mục đích chiến đấu.
Mẫu trực thăng này có giá khoảng 10 - 15 triệu đô la/chiếc.
Phía Ukraine không cung cấp thông tin chi tiết về vụ phá huỷ trực thăng Nga. Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.
Theo bản cập nhật của Bộ Tổng tham mưu vào ngày 11/10, Nga đã mất 329 máy bay trực thăng kể từ khi xung đột bùng phát.
Thủ tướng Đức công bố gói viện trợ ‘Khủng’ cho Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau hôm 11/10 ở Berlin. (Ảnh: Getty Images) |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Đức ngày 11/10 và nhận được những cam kết hỗ trợ mới từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Chuyến thăm Đức của ông Zelensky là một phần trong chuyến công du châu Âu mà ông hy vọng sẽ có thể giúp tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và thúc đẩy kế hoạch chiến thắng của nước này.
Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Scholz tiết lộ Đức đã chuyển một gói viện trợ cho Ukraine trị giá 600 triệu euro. Gói này bao gồm hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T, xe bọc thép, xe tăng, lựu pháo, đạn dược và máy bay không người lái.
“Đến cuối năm, với sự hỗ trợ của các đối tác gồm Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, chúng tôi sẽ chuyển một gói khác trị giá 1,4 tỷ euro cho Ukraine”, ông Scholz nói.
Gói này sẽ bao gồm hệ thống phòng không IRIS-T, Skynex và Gepard, cũng như lựu pháo, xe bọc thép, máy bay không người lái, radar và đạn dược.
“Tôi biết ơn nước Đức, và cá nhân ngài - Olaf, vì sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho Ukraine”, ông Zelensky nói, lưu ý rằng Berlin đã cung cấp sự hỗ trợ quan trọng nhất về mặt phòng không.
Đức đã viện trợ ít nhất ba hệ thống Patriot cho Ukraine, cùng với một số hệ thống Gepard và IRIS-T.
Chuyến thăm Đức của ông Zelensky diễn ra sau khi ông đến Anh, Pháp và Ý, để gặp lãnh đạo các quốc gia này và trình bày với họ kế hoạch chiến thắng năm bước của Ukraine.
Lãnh đạo Ukraine kỳ vọng sẽ có thể tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch mà Kiev mô tả là con đường hướng tới hòa bình công bằng và lâu dài.
Ukraine nói Nga tăng cường tấn công ở hai tỉnh mới sáp nhập
Kể từ đầu tuần, lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 29 cuộc tấn công của Nga vào các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia, Bộ tư lệnh tác chiến miền Nam cho biết.
“Lực lượng phòng thủ miền Nam Ukraine tại tỉnh Kherson đã đẩy lùi 29 cuộc tấn công. Chỉ tính riêng trong một ngày qua, năm cuộc tấn công đã được ghi nhận tại Kherson và hai cuộc tấn công theo hướng Zaporizhzhia", bộ chỉ huy cho biết trong một tuyên bố.
Nga đã sử dụng 318 máy bay không người lái FPV, bao gồm ba máy bay không người lái loại Lancet, và thả 428 quả bom đa năng. Mặc dù các cuộc tấn công đang diễn ra, nhưng không có bước tiến nào được ghi nhận.
Tuyên bố này phù hợp với cảnh báo trước đó của quân đội Ukraine, rằng Nga sẽ cố gắng đạt một bước đột phá theo hướng Orikhiv và Mala Tokmachka ở Zaporizhzhia trong những ngày tới.
Đợt tấn công mới của Nga ở phía nam Zaporizhzhia diễn ra khi quân đội nước này tiếp tục tấn công mạnh mẽ ở Donbass.
Kiev tuyên bố rút quân khỏi Vuhledar (thuộc Donetsk) vào ngày 2/10, sau khi lực lượng Nga bao vây hai bên sườn thị trấn. Quân đội Nga ở Vuhledar đông hơn lực lượng phòng thủ Ukraine khoảng 9 lần, Oleksandr Okhrimenko - chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 72 - cho biết.
Kể từ sau khi giành được Vuhledar, quân đội Nga liên tục đạt được nhiều thành công khác ở Donetsk.
Các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia đã sáp nhập Nga hồi cuối năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine không công nhận. Hiện quân đội Nga chưa kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ không muốn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. (Ảnh: Anadolu Agency) |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và hy vọng điều đó sẽ không cần thiết nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 174 tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine kể từ khi bùng phát xung đột quân sự với Nga (tháng 2/2022). Trong đó, một gói viện trợ trị giá 61 tỷ đô la từng bị trì hoãn suốt nhiều tháng vì bất đồng giữa Hạ viện với Nhà Trắng.
“Tôi không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine, và tôi hy vọng điều đó không cần thiết”, ông Johnson nói. “Nếu ông Trump đắc cử, tôi tin rằng ông ấy thực sự có thể chấm dứt cuộc xung đột đó. Tôi thực sự tin như vậy. Tôi nghĩ ông Trump sẽ gọi cho ông Putin và nói với ông ấy rằng thế là đủ".
“Tôi nghĩ mọi người trên thế giới đều mệt mỏi và muốn giải quyết vấn đề này”, ông Johnson nói thêm. “Vì vậy, bất kể các điều khoản là gì, nhưng nếu bà Kamala Harris là tổng thống, tôi không nghĩ rằng xung đột sẽ kết thúc, đó là một kịch bản tuyệt vọng và nguy hiểm”.
Tháng trước, ông Johnson đã phản đối chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới một nhà máy đạn dược ở Pennsylvania, gọi đó là "một sự kiện vận động tranh cử rõ ràng mang tính đảng phái" và tương đương với "sự can thiệp vào cuộc bầu cử". Ông đã viết một lá thư cho ông Zelensky yêu cầu sa thải ngay lập tức Đại sứ Ukraine tại Washington, Oksana Markarova, vì đã tổ chức chuyến thăm.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 có ý nghĩa rất lớn đối với Ukraine. Các ứng cử viên đã thể hiện sự khác biệt lớn về lập trường đối với việc tiếp tục ủng hộ Kiev.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử, và chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky vì không "thỏa thuận" với Nga. Ông cũng cam kết sẽ đưa Mỹ "thoát khỏi" cuộc xung đột nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11.
Ngược lại, Phó Tổng thống Kamala Harris cáo buộc ông Trump ủng hộ việc đầu hàng của Ukraine, và tuyên bố sẽ từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Những phát biểu mới nhất của ông Johnson làm dấy lên lo ngại, rằng chiến thắng của ông Trump, nếu xảy ra, sẽ báo hiệu sự kết thúc của viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine.