Công trình trọng điểm, lâu dài
Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 25.000 m3/ngày đêm, công suất quy hoạch trong tương lai lên tới 200.000 m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn quốc gia cho người dân thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và khu vực phụ cận mà còn là nền tảng, thúc đẩy cho những tiềm năng của tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh |
Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh là công trình trọng điểm, được DNP Water tập trung tối đa nhân lực, vật lực cùng hệ thống máy móc tối tân, hiện đại nhất để thực hiện. Trong quá trình thi công, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thay đổi biện pháp thi công, yếu tố thời tiết… nhưng với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư liên tục bám sát hiện trường và đưa ra các điều chỉnh kịp thời, công trình đã về đích theo đúng kế hoạch và đảm bảo cao nhất các yếu tố về chất lượng.
Nằm trên địa bàn xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Nhà máy nước Sơn Thạnh có tổng diện tích sử dụng đất 4,7 ha. Trong đó, khu vực xây dựng nhà máy xử lý nước sạch có diện tích 4.3 ha, khu vực công trình thu - trạm bơm nước thô có diện tích 0,4 ha. Nhà máy có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25.000 m3/ ngày đêm, công suất mở rộng giai đoạn 2 là 100.000 m3/ngày đêm và quy hoạch trong tương lai lên tới 200.000 m3/ngày đêm, thời gian khai thác 50 năm.
Tuyến ống nước thô của dự án có đường kính lên tới D1000mm đáp ứng công suất truyền tải 100.000 m3/ngày đêm dẫn nước thô về trạm xử lý nước sạch. Hệ thống tuyến ống truyền tải giai đoạn 1 đáp ứng cho công suất 50.000 m3/ngày đêm, cấp cho Cụm công nghiệp sông Cầu, các khu dân cư dọc tuyến trên địa bàn huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh cũng như, bổ sung nhu cầu nước sạch cho thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, Cam Lâm…
Dự án khai thác nguồn nước mặt từ sông Cái Nha Trang với trữ lượng lớn, là dòng chảy của nhiều tâm mưa lớn, lưu lượng đạt tới 695 m3/s vào các tháng 10 và 11. Chất lượng nước mặt của sông Cái cũng được đánh giá ổn định và đủ khả năng cung cấp nước lâu dài.
Nhà máy sử dụng công nghệ tấm lắng Lamela kết hợp lọc nhanh thu nước bằng đan lọc HDPE với công suất lớn, đây là phương pháp xử lý hiện đại, đvang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hệ thống SCADA tân tiến nhất hiện nay được áp dụng vào công tác quản lý, vận hành, đưa mức độ tự động hóa của dự án lên tương tự các nhà máy nước của các nước phát triển. Chất lượng nước sạch đầu ra đảm bảo Quy chuẩn cao nhất của Bộ y tế về nước ăn uống, sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT.
Tạo nền tảng cho sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội của Khánh Hòa
Nằm trên hành lang kinh tế Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (một trong 4 hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh Khánh Hòa) với tuyến ống chạy dọc theo quốc lộ 27C và tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, sự ra đời của Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh giúp tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang, kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, công nghiệp và sẽ hình thành các khu vực đô thị trong tương lai. Với mật độ dân số ngày càng gia tăng, nhiều khu công nghiệp - cụm công nghiệp và khu du lịch ngày càng mở rộng, hạ tầng nước sạch và nguồn cung cấp hiện tại chưa đủ để phục vụ cho nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định số 1182/QĐ - UBND (ngày 05/05/2021), chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy nước Sơn Thạnh tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh. Bên cạnh mục tiêu xây dựng hệ thống cấp nước sạch tiên tiến, vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nước sạch tiêu chuẩn cho các khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh và phụ cận; thực hiện bán buôn nước sạch qua đồng hồ tổng cho công ty cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, dự án còn đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch cấp nước của tỉnh Khánh Hòa và đảm bảo phục vụ nhu cầu trong phạm vi cấp nước tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh nhà máy nước Sơn Thạnh từ trên cao |
Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước Sơn Thạnh và Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) đầu tư. DNP Water hiện là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nước sạch và môi trường, với 25 công ty con và công ty liên kết đang hoạt động trên cả nước với tổng công suất cấp nước hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Doanh nghiệp có đối tác chiến lược là Samsung E&C (thành viên Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc), đối tác công nghệ là Kobelco Eco Solutions Co. Ltd - đơn vị hàng đầu của Nhật Bản chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho các nhà máy xử lý nước sạch. Bản thân DNP Water cũng sở hữu đội ngũ nhân sự là các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về công nghệ, tài chính, quản lý dự án…; có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn, triển khai các hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn, ở các khu vực có địa hình đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao như như: Lào Cai, Quảng Bình, Long An, Bắc Giang… Doanh nghiệp đang hướng tới thực hiện các dự án cấp nước, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, mang tính liên kết vùng trên cả nước nhằm phục vụ kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững của ngành Cấp Thoát Nước Việt Nam và của đại phương..
Đánh giá về dự án nhà máy nước Sơn Thạnh, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại sự kiện: “Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung toàn lực để phát triển trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á, là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp thu hút các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư các hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030: “Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
Ban lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá cao sự quyết tâm, thái độ làm việc khẩn trương của 2 Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước Sơn Thạnh và Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP đã huy động tối đa nguồn lực, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành dự án kịp tiến độ. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm cho nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch; góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Lều Mạnh Huy – Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư ngành nước DNP cũng cam kết, sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ đảm bảo chất lượng và lưu lượng nước, hoàn thiện việc nâng cấp công suất theo đúng lộ trình, góp phần vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của một Khánh Hòa đang trên đà bứt phá.