“Tôi yêu quý gọi là thầy Trọng”
Trong ký ức của cụ Phan Thị Cấu (93 tuổi), vợ cố nhà giáo Lê Đức Giảng - thầy giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, học trò Trọng là người tình cảm, giản dị, gần gũi, được vợ chồng cụ xem như thành viên trong gia đình.
Cụ Cấu dậy từ sớm và luôn túc trực bên tivi để đón xem chương trình Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trương Định. |
Hôm hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cụ Cấu vô cùng đau buồn. Cụ nghẹn ngào khi nhắc về người học trò mà chồng cụ luôn yêu quý, tự hào: “Thương lắm! Ông Trọng là người rất tình cảm!”.
Suốt mấy ngày qua, cụ Cấu lần giở từng tờ báo để xem những thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng luôn dõi theo chương trình Lễ Quốc tang thông qua đài truyền hình.
Cụ Cấu nói: “Hai chân của tôi bây giờ yếu quá, đi không còn nổi chứ nếu được vẫn muốn ra tận Hà Nội để viếng, tiễn biệt ông Trọng một đoạn. Giờ ông Trọng đi rồi, đất nước mất đi vị lãnh đạo có tài, có đức hết lòng vì nước, vì dân”.
Bức ảnh kỷ niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp với thầy giáo Lê Đức Giảng. Ảnh: Trương Định. |
Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thái Học (TP. Quy Nhơn, Bình Định), từ ngày chồng rồi con mất, căn nhà của cụ Cấu trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, dù sức khỏe yếu, trí nhớ không còn minh mẫn như xưa, thế nhưng khi phóng viên hỏi về những người học trò cũ của thầy Lê Đức Giảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ Cấu vẫn nhớ như in.
Theo lời kể của cụ, năm 1961, thầy Lê Đức Giảng được phân công về dạy tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (ở Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, thầy dạy môn Lịch sử các lớp 8 và 9 (hệ 10 năm) và làm chủ nhiệm lớp 9B. Lớp có 45 học sinh, khi ấy do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng vừa làm Bí thư Chi đoàn.
Cụ Cấu nhắc lại kỷ niệm của chồng mình lúc sinh thời: “Hồi đi học ở ngoài đó rất khổ. Thấy anh Trọng ở nhà trọ trong cảnh đèn dầu leo lét, ông nhà tôi ở một mình nên thầy rủ trò về phòng để học, gặp hôm trời mưa anh Trọng ở lại ngủ với thầy. Tình cảm thầy trò ngày càng trở nên thắm thiết và bền chặt như vậy”.
Cụ Cấu xúc động mỗi khi nhớ lại người học trò của chồng mình. Ảnh: Trương Định. |
Sau ngày thống nhất đất nước, thầy giáo Lê Đức Giảng chuyển về Bình Định giảng dạy rồi sau đó về hưu.
Cụ Cấu nói, dù người học trò năm xưa đã trở thành vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành lòng biết ơn và trân trọng người thầy đã dạy ông. Lần nào vào thăm và làm việc với tỉnh Bình Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều lặng lẽ đến nhà thăm lại thầy giáo cũ của mình. Trong ký ức của cụ Cấu, dù ở cương vị cao thế nào, Tổng Bí thư vẫn khiêm nhường nhận mình chỉ là cậu học trò nhỏ năm xưa.
“Nhớ một lần công tác tại Bình Định, ông Trọng âm thầm ghé thăm nhà. Gặp tôi, Tổng Bí thư gọi cô và xưng em, nhưng tôi yêu quý gọi ông là thầy Trọng”, vợ cố nhà giáo Lê Đức Giảng bồi hồi.
Nhớ mãi 4 chữ!
Trong căn phòng nhỏ hẹp, cũ kỹ trên tầng 2 của ngôi nhà được chia làm 2 phòng, diện tích khoảng 10m2 với góc sân nhỏ đủ bày chiếc bàn inox tròn để tiếp khách, cụ Cấu nói cũng chính tại bàn inox này vợ chồng cụ ngồi chuyện trò với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
4 chữ được cụ Cấu khắc ghi, nhớ mãi. Ảnh: Trương Định. |
Cụ Cấu kể, hôm ấy có nhiều người đi theo tháp tùng nhưng Tổng Bí thư chỉ một mình vào thăm nhà. Người học trò năm xưa được thầy Giảng thương quý muốn một mình vào thăm thầy để có không gian tâm sự, gần gũi với người thầy giáo cũ. Bước vào nhà, Tổng Bí thư thành học trò, phong thái giản dị. Bên chiếc bàn nhỏ, vợ chồng thầy giáo Giảng cùng Tổng Bí thư chuyện trò hàng tiếng đồng hồ, rất thân tình và gần gũi.
"Lúc ra về, ông Giảng bước xuống cầu thang trước, tôi với ông Trọng bước theo sau. Tôi nói ở trên đời quyền quý cao sang không cần biết, nhưng mà quý nhất là tình cảm thầy ơi! Thế rồi, ông Trọng trả lời 4 tiếng mà đến nay tôi còn nhớ mãi: “Cô nói, em nghe!”, cụ Cấu nhớ lại.
Chỉ gắn bó trong vòng thời gian ngắn tại trường Nguyễn Gia Thiều, thế nhưng tình cảm của thầy giáo trẻ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cùng năm tháng. Cụ Cấu chia sẻ, lúc sinh thời, mỗi khi nhắc đến người học trò Nguyễn Phú Trọng, thầy Giảng đều rất vui, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào.
Cuốn sách có chữ ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng thầy Lê Đức Giảng và bức ảnh thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm vợ chồng cụ tại nhà riêng ở đường Nguyễn Thái Học (TP. Quy Nhơn) được đăng báo. Ảnh: Trương Định. |
Lần tìm trong căn phòng thờ, cụ Cấu nâng niu cho chúng tôi xem những bức hình kỷ niệm của chồng mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những cuốn sách được Tổng Bí thư ký tặng với dòng chữ đầy nắn nót: “Người học trò nhỏ của Thầy”. Những kỷ vật ấy được vợ chồng cụ cất giữ đầy trân trọng.
Ngày thầy Lê Đức Giảng qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa viếng thầy với dòng chữ: “Nguyễn Phú Trọng, học trò cũ của Thầy” và dặn mọi người lo tang lễ chu đáo.