Bình Thuận mạnh tay xử lý tàu cá '3 không'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND các huyện ở Bình Thuận sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu cá “3 không”. Các địa phương phải nắm chắc địa bàn, quản lý đội tàu có nguy cơ cao, xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm.

Ngày 11/6, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tập trung cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để chuẩn bị làm việc với Uỷ ban liên minh châu Âu (EC) lần thứ 5, dự kiến diễn ra tháng 10.

Kiểm soát chặt

Theo đó, trọng điểm là tập trung rà soát, thống kê tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) trên địa bàn, thực hiện đăng ký tạm thời đưa vào quản lý, kiểm soát.

Các đơn vị chức năng và địa phương đã thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt 84 tàu cá thuộc diện có nguy cơ cao và cử cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát.

Bình Thuận cũng yêu cầu 4.184 lượt chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tổ chức trực ban, giám sát tàu cá 24/24 qua hệ thống giám sát để phát hiện, xử lý theo đúng quy trình, quy định đối với tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển, ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài.

UBND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt hai chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng vì đã có hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép hoặc không có giấy chấp thuận.

Bình Thuận mạnh tay xử lý tàu cá '3 không' ảnh 1

Từ nay đến tháng 10, Bình Thuận sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện tại, Bình Thuận gặp những vướng mắc như, dù tỉnh đã hoàn thành thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “3 không” nhưng số lượng phát sinh còn nhiều (phát sinh 135 chiếc so với thời điểm đăng ký tạm tháng 3/2024 và tăng 647 chiếc so với thời điểm tháng 12/2023.

Ngoài ra, Bình Thuận có nhiều tàu cá ngưng hoạt động, nằm bờ (trên 15 m) chưa gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa thể xóa khỏi danh sách. Vẫn còn tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS tại vùng biển giáp ranh, tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh nhất là tàu cá dưới 15 m, không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị VMS nhưng chưa có cơ chế xử lý...

Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm

Do đó, các cơ quan chức năng tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi, kiểm soát tàu cá nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó kiểm soát, phòng chống khai thác IUU tại cảng, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải yêu cầu từ nay đến tháng 10 phải chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. Chủ tịch UBND các huyện sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu cá “3 không”. Các địa phương phải nắm chắc địa bàn, quản lý đội tàu có nguy cơ cao, xử lý, xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải phối hợp công an để có biện pháp nhắc nhở, răn đe phát huy hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp phải hoàn tất việc rà soát, cấp đăng ký tàu “3 không” trong tháng 9 và phải làm sạch dữ liệu tàu trên 15 m chưa lắp thiết bị VMS.

Đối với nhóm tàu từ 12-15 m chưa đăng ký, đăng kiểm được, ông Hải yêu cầu cần thực hiện song song các giải pháp tham vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, học tập các tỉnh bạn và họp các sở, ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận nếu còn vướng.

Đối với các tàu cá mất kết nối VMS trong 6 giờ/10 ngày mà có tính chất liên tục, thường xuyên, cần đưa nhóm tàu này vào nhóm nguy cơ cao, tăng cường giám sát và chuyển cho lực lượng công an theo dõi.

MỚI - NÓNG