“Bóng đá đã dạy tôi rất nhiều điều, một trong số đó là không có gì chắc chắn”, Ronaldo nói ra điều này khi cùng trang chủ UEFA nhớ lại trận chung kết EURO 2004. 20 năm trước, CR7 với khuôn mặt thư sinh bị Hy Lạp dội một gáo nước lạnh. Tuyển Bồ Đào Nha nắm trong tay mọi lợi thế để vô địch EURO 2004, song sự kiên cường của Hy Lạp khiến chủ nhà bất lực.
Hy Lạp viết câu chuyện cổ tích. |
Cơn địa chấn của Hy Lạp
Trước khi EURO 2004 khởi tranh, Hy Lạp và Latvia là 2 đội tuyển bị đánh giá thấp nhất. Với những ai dám đặt niềm tin vào cửa Hy Lạp vô địch, phần thưởng của họ là 150/1 (thắng gấp 150 lần).
Hy Lạp rơi vào bảng đấu có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Nga. Cơ hội để thầy trò Otto Rehhagel đi tiếp cực kỳ mong manh. Song, họ thắng Bồ Đào Nha ở trận ra quân, tiếp đó hòa Tây Ban Nha. Hy Lạp có cùng 4 điểm với Tây Ban Nha nhưng giành vé đi tiếp nhờ hiệu số ghi bàn tốt hơn.
Hai bàn thắng bằng đầu đưa Hy Lạp lần lượt vượt qua đương kim vô địch Pháp và CH Czech. Bồ Đào Nha gặp lại Hy Lạp, từ trận khai màn đến chung kết, cách nhau chỉ 23 ngày. HLV Luiz Scolari quá hiểu Hy Lạp trong tay HLV Rehhagel ở trận chung kết có gì? Đó là một tập thể không ngôi sao nhưng vận hành khoa học và trực diện. Với Hy Lạp, phá lối chơi đối thủ, tận dụng triệt để các tình huống bóng chết là niềm tin để nghĩ đến kết quả tốt.
Một lần nữa, Hy Lạp khiến đối thủ ôm hận bằng bóng bổng. Bồ Đào Nha tập trung ngăn cản Zisis Vryzas, mũi không chiến chủ lực, cao 1,9 m của Hy Lạp. Song, người ghi bàn là Angelos Charisteas. Đội hình với chiều cao lép vế của Bồ Đào Nha đã lộ “tử huyệt”. Costinha, người được cắt cử theo kèo Charisteas, thấp hơn đối phương 10 cm. Khi cả 2 cùng đoán điểm rơi, Charisteas đã quá dễ để bật nhảy và ghi bàn.
Cũng chính một kịch không chiến, HLV Scolari bất lực trước đất nước của những vị thần.
Nhưng Bồ Đào Nha trước tiên hãy tự trách bản thân. Họ thất bại sau 11 lần dứt điểm, trong khi Greece chỉ có 3. Phút 75, Ronaldo thoát xuống, đối mặt thủ môn Hy Lạp, song xử lý bước một thiếu nhạy cảm và vội vàng dứt điểm. 5 phút sau, cũng chính Ronaldo di chuyển phá bẫy việt vị tốt nhưng dứt điểm cẩu thả.
Trận chung kết EURO 2004 phản chiếu mọi thứ về Ronaldo ở giai đoạn đó. Một CR7 tuổi teen chơi bóng trên đôi chân cảm hứng, thanh thoát, có những bước di chuyển sắc như dao cạo. Song, điều quan trọng nhất Ronaldo cần làm là chính xác ở bước xử lý cuối, không được anh thể hiện trước Hy Lạp.
Ronaldo nói, ngay lúc đó, anh nghĩ đây là cơ hội sáng nhất để Bồ Đào Nha vô địch EURO 2004. Trận thua ở chung kết, ngay trên sân nhà càng khiến Ronaldo không giữ nổi bình tĩnh khi trọng tài vừa thổi còi mãn cuộc.
Giọt nước mắt cay đắng của Ronaldo. |
Tội đồ Beckham và nỗi đau của người Anh
Sau câu chuyện cổ tích của Đan Mạch (EURO 1992), giải đấu EURO lưu danh Hy Lạp với tư cách là đội tuyển lên ngôi vô địch theo kịch bản không thể tưởng tượng.
Có quá nhiều cú sốc xảy ra ở EURO 2004. Tây Ban Nha, Italy và Đức bị loại từ vòng bảng. Đến vòng tứ kết, Hy Lạp tiễn Pháp về nước. Tập thể CH Czech đầy khao khát, chinh phục khán giả bằng lối đá tấn công cảm xúc, nối gót Pháp, vỡ mộng vì Hy Lạp.
Dư âm EURO 2004, những thất bại được truyền thông châu Âu nhắc đến, mổ xẻ còn nhiều hơn chức vô địch của Hy Lạp. Bên cạnh thước phim Ronaldo òa khóc, cú sút phạt đền “lên trời” của David Beckham, trận đối đầu Bồ Đào Nha ở tứ kết EURO 2004 là khoảnh khắc kinh điển.
Beckham khiến người Anh từ bỏ một chút hy vọng đánh bại Bồ Đào Nha ở loạt luân lưu 11 m. Cú sút hỏng ở loạt thứ 3 của Rui Costa kéo lại hy vọng cho “Tam sư”. Song, pha sút hỏng quyết định từ Darius Vassel chính thức tiễn “thế hệ vàng” của Anh với những ngôi sao thế hệ mới John Terry, Steven Gerrard, Frank Lampard, Ashley Cole, Wayne Rooney, khăn gói về xứ sở sương mù.
Cũng là cảm xúc tiếc nuối, khán giả tiếc cho Czech bay bổng trên cảm hứng của dàn cầu thủ đạt phong độ cao tại EURO 2004, gồm Pavel Nedved, Tomas Rosicky và Milan Baros. Thầy trò Karel Bruckner thắng cả 3 trận vòng bảng, nhấn chìm Đan Mạch ở tứ kết. Họ chơi lấn lướt Hy Lạp nhưng gục ngã vì bàn thắng bạc của Traianos Dellas.
Hiển nhiên, người Bồ Đào Nha cũng có quyền trách móc số phận, khi thế hệ cầu thủ tài năng của họ với đầu tàu Luis Figo và nhân tố mới xuất sắc như Ronaldo, thua tại chung kết. Rất nhiều đội tuyển ở EURO 2004 bại trận theo cách tức tưởi, họ sẽ đổ lỗi cho yếu tố thiếu may mắn.
Nhưng thế nào chăng nữa, sau cùng chỉ có một nhà vô địch là Hy Lạp.
Chủ nhà: Bồ Đào Nha
Vô địch: Hy Lạp
Vua phá lưới: Milan Baros (5 bàn).